Luật Hình Sự

Từ bạo hành đến giết người cần xác định những dấu hiệu cấu thành nào?

Trong thời gian vừa qua, các vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến giết người liên tục xảy ra khiến cho xã hội bức xúc và lên án. Chúng ta đều không thể kìm lòng trước những nỗi đau tột cùng mà các nạn nhân, những đứa trẻ vô tội, đã trải qua. Như vậy,dấu hiệu nào là căn cứ xác định từ tội bạo hành đến tội giết người? Sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ cùng với quý độc giả nghiên cứu về vấn đề này theo quy định pháp luật hiện hành.

Nạn nhân của những vụ án bạo hành

Nạn nhân là trẻ em trong các vụ án đau lòng gần đây

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết

Liên quan vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) bị khởi tố về tội Hành hạ người khác và Giết người; Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, cha bé gái) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm. Cụ thể, Cơ quan điều tra xác định, trong quá trình sống chung như vợ chồng với Thái, Trang đã nhiều lần đánh đập bé gái bằng tay, cây, roi… Trong ngày bé gái tử vong, từ 14h đến 18h ngày 22/12/2021, Trang đã liên tục đánh bằng cây gỗ, đạp… khiến bé gái tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định bé gái bị tụ máu dưới da trán đỉnh phải, não phù nhẹ; có nhiều vết thương cũ, gãy khung xương sườn 2, 3, 4 bên phải… Ban đầu, Công an quận Bình Thạnh bắt tạm giam Trang về hành vi Hành hạ người khác. Sau đó, trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã khôi phục lại được dữ liệu camera trong căn hộ mà Thái và Trang đã cố tình xóa, hủy trước khi thông báo với bảo vệ tòa nhà và đưa bị hại đi cấp cứu. Đây là một chứng cứ vô cùng quan trọng và là mấu chốt giải quyết của vụ án này. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội “Giết người” và tạm giam Nguyễn Kim Trung Thái về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.

Vụ bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu

Liên quan đến vụ bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu, ngày 20/1, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, trú Thạch Hoà, Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo lời khai ban đầu, Huyên có tình cảm và sống như vợ chồng với chị L. (mẹ cháu A.). Trong quá trình sinh sống, Huyên khó chịu với bé Đ.N.A. là con riêng của người tình nên thường đánh đập, hành hạ cháu, khiến cháu nhiều lần phải nhập viện. Khoảng 8h ngày 17/1, trong lúc người yêu vắng nhà, Huyên đã dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé A. Thấy bé khóc, Huyên tiếp tục dùng 1 quả tạ loại 2 kg đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1 cm vào xung quanh đỉnh đầu bé. Sau đó, Huyên đưa bé đi gửi và quay về phòng trọ ngủ. Khoảng 16h chiều 17/1, Huyên đón bé A. về trong tình trạng sức khỏe yếu, buồn nôn, không đứng vững. Chị L. đã gọi xe đưa con đến Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất. Trước đó, hồi tháng 10/2021, Huyên mua 2 gói thuốc diệt cỏ mang về phòng trọ pha với nước ngọt rồi cho bé A. uống, khiến bé phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến tháng 11/2021, Huyên bỏ 2 chiếc đinh vít vào miệng rồi đổ nước bắt cháu bé uống. Sau đó, bé gái được mẹ đưa đến bệnh viện để lấy 2 dị vật ra.

Căn cứ xác định dấu hiệu bạo hành

Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS) quy định về tội hành hạ người khác như sau: “1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
  2. a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, m đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  3. b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% tr lên;
  4. c) Đối với 02 người trở lên.”

Theo đó, hành vi hành hạ người khác có thể gồm chửi bới, dày vò cơ thể, bỏ đói hay thậm chí đánh đập song không gây ra thương tích nặng cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có dấu hiệu bị đánh đập, song hành vi không gây ra tỷ lệ thương tật, không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết thì hành vi đánh đập sẽ được xác định là hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 2 Điều 140 BLHS.

Căn cứ xác định dấu hiệu bạo hành

Từ bạo hành đến giết người, cơ quan chức năng cần xác định những dấu hiệu cấu thành nào?

Theo Điều 123 BLHS, các yếu tố cấu thành tội phạm của tội giết người được xác định như sau:

Thứ nhất, về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Thường là những hành vi tác động vào những vị trí trọng yếu trên cơ thế nạn nhân như vùng đầu, ngực, bụng,… gây nguy hiểm chết người.

Thứ hai, về mặt chủ quan: Người phạm tội giết người luôn thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) theo Điều 10 BLHS.

Thứ ba, về mặt khách thể: hành vi của người phạm tội giết người đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Thứ tư, về mặt chủ thể: Theo Điều 12 BLHS thì chủ thể của tội giết người là bất kỳ người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Như vậy, để xác định từ tội bạo hành chuyển sang tội giết người, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ hành vi đánh đập, bạo hành của người phạm tội đã tác động trực tiếp vào những vùng nguy hiểm như đầu, ngực, bụng của nạn nhân và dẫn đến hậu quả chết người. Đối với hành vi này, người phạm tội buộc phải nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, mặc dù mong muốn hoặc không mong muốn hậu quả xảy ra. Ngoài ra, việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng để xác định loại tội danh này.

Hình phạt cho hành vi giết trẻ em

Như đã phân tích ở trên, đối với những vụ án ban đầu xác định có dấu hiệu của tội hành hạ người khác, nếu chứng minh được hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người, đánh đập vào những vùng nguy hiểm của cơ thể của nạn nhân thì Cơ quan chức năng sẽ chuyển tội danh từ tội hành hạ người khác sang tội giết người. Căn cứ theo điểm b, khoản 1 Điều 123 BLHS trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, đối với vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết và vụ án bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu, với việc bị khởi tố tội danh Giết người, bị can Trang và Huyên có thể đối diện với mức án 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân, tử hình. Theo quan điểm của Chuyên tư vấn luật, Bộ luật Hình sự cần bổ sung nguyên tắc áp dụng hình phạt cho người phạm tội với nạn nhân là trẻ em. Hiện tại, phạm tội với người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, chưa đủ mang tính răn đe mà cần được thiết kế chế định riêng.

Hình phạt cho những đối tượng giết người là trẻ em

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Từ bạo hành đến giết người cần xác định những dấu hiệu cấu thành nào? Nếu quý đọc giả còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn LUẬT SƯ TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Luật sư của Chuyên tư vấn luật hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Xin cảm ơn!

  •  

5 (17 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 982 bài viết