Luật Hình Sự

Thủ Tục Thẩm Định Giá Tài Sản Trong Vụ Án Hình Sự

Trong Bộ luật Hình sự 2015, đối với một số tội danh cụ thể, việc thẩm định giá tài sản có vai trò quan trọng trong việc xác định tội danh. Ngoài ra, việc định giá tài sản còn giúp giải quyết đồng thời một số vấn đề liên quan đến pháp luật dân sự khác trong vụ án hình sự. Vậy, thủ tục thẩm định giá trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào? Chủ thể nào có thẩm quyền tiến hành việc thẩm định này được quy định ra sao? Qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ tìm có được câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Thẩm định giá tài sản trong vụ án hình sự
Thẩm định giá tài sản trong vụ án hình sự

Chủ thể có thẩm quyền tiến hành định giá tài sản

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP thì có hai Hội đồng có thẩm quyền tiến hành định giá tài sản, đó là: Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên.

Hội đồng định giá theo vụ việc (Theo Điều 6 Nghị định 30/2018/NĐ-CP):

· Được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

· Được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc thực hiện định giá lại;

· Được thành lập ở trung ương; do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá lại hay định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.

Hội đồng định giá thường xuyên (Theo Điều 7 Nghị định 30/2018/NĐ-CP), căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương mà:

· Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng định giá thường xuyên cấp huyện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

· Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá thường xuyên cấp tỉnh khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thực hiện định giá lại.

Trường hợp Hội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản cần được định giá thì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc để thực hiện việc định giá (Theo khoản 6 Điều 7 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Số lượng thành viên của Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với Hội đồng định giá cấp huyện, tối thiểu là 05 người đối với Hội đồng định giá cấp tỉnh và ở trung ương (Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Chủ thể nào có thẩm quyền tiến hành định giá tài sản?
Chủ thể nào có thẩm quyền tiến hành định giá tài sản?

Phương pháp định giá tài sản

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị đinh 30/2018/NĐ-CP thì tùy vào từng loại tài sản sẽ có những phương pháp định giá khác nhau, cụ thể:

· Tài sản chưa qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt);

Tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị thực tế của tài sản;

· Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, Hội đồng định giá xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ;

· Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá;

· Tài sản là hàng giả: Hội đồng định giá xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự;

· Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: Hội đồng định giá xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.

Trường hợp sử dụng từ 02 phương pháp định giá tài sản trở lên, Hội đồng định giá tài sản cần đánh giá, phân tích, tính toán hoặc lựa chọn để đi đến kết luận cuối cùng về mức giá của tài sản cần định giá.

Phương pháp định giá tài sản được quy định trong pháp luật hiện hành như thế nào?
Phương pháp định giá tài sản được quy định trong pháp luật hiện hành như thế nào?

Trình tự, thủ tục thẩm định giá tài sản

Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan, gửi đến Hội đồng định giá tài sản Hội đồng định giá thường xuyên hoặc được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc (Căn cứ khoản 4 Điều 7 dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 14 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Bước 2: Cơ quan gửi văn bản yêu cầu có trách nhiệm tổ chức cho Hội đồng định giá khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá. Tùy theo tính chất, đặc điểm, tình hình thực tế của tài sản cần định giá, Hội đồng định giá trực tiếp hoặc giao Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có) thực hiện khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá (theo khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Bước 3: Hội đồng giám định tiến hành phiên họp định giá tài sản. Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. Chủ tịch Hội đồng định giá điều hành phiên họp định giá tài sản. Mỗi thành viên phát biểu ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản trên cơ sở kết quả thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá tài sản. Kết luận về giá của tài sản theo ý kiến đa số của những thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; Ý kiến bảo lưu đó được ghi vào Biên bản phiên họp định giá tài sản (Theo Điều 18 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Bước 4: Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định Hội đồng định giá lập kết luận định giá tài sản bằng văn bản. Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam, gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Hội đồng định giá tài sản lập kết luận định giá tài sản. Kết luận định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản, 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản (Theo Điều 20 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).

Trên đây là toàn bộ bài viết về chủ đề “Thủ tục thẩm định giá tài sản trong vụ án hình sự”. Trường hợp Quý khách hàng phát sinh bất kì thắc mắc nào liên quan đến bài viết hoặc cần hỗ trợ pháp lý, xin quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.

 

5 (17 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết