Luật Hình Sự

Quy Định Pháp Luật Về Thời Hạn Trong Quá Trình Điều Tra Vụ Án Hình Sự

Thời hạn điều tra là khoảng thời gian tối đa do pháp luật quy định mà trong khoảng thời gian đó, Cơ quan điều tra có thẩm quyền được thực hiện các hoạt động điều tra nhằm xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác của vụ án, hoàn thành việc điều tra vụ án hình sự.

Pháp luật quy định cụ thể về thời hạn trong quá trình điều tra vụ án

Thời hạn điểu tra tính như thế nào?

Thời hạn điều tra được tính từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Thời hạn điều tra được quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS 2015) như sau: “ Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.”. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 172 BLTTHS 2015 còn quy định về thời hạn gia hạn điều tra như sau:

  • Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

Trên đây là thời hạn tối đa cho việc điều tra đối với từng loại tội phạm cụ thể, trường hợp hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền điều tra không chứng minh được tội phạm thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra. Ngược lại, cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể kết thúc việc điều tra vụ án sớm hơn thời hạn nêu trên.

Thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật như thế nào?

Thời gian tạm giam để điều tra được thiết kế tương tư như thời hạn điều tra, có nghĩa là chúng được xác định theo từng loại tội và tính chất phức tạp của vụ án. Theo Khoản 1 Điều 173 BLTTHS 2015 thời gian tạm giam để điều tra được quy định như sau “Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” Ngoài ra, Khoản 2 Điều 173 BLTTHS 2015 còn quy định về thời hạn gia hạn tạm giam như sau:

  • Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Như vậy thời gian tạm giam tối đa đối với loại tội này là 20 tháng.

Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Cần chú ý quyền thay dổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại là gì?

Phục hồi điều tra là trường hợp sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra nhưng có căn cứ để tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra nên đã ra quyết định phục hồi điều tra.

Điều tra bổ sung là những trường hợp viện kiểm sát hoặc tòa án xét thấy cần thiết tiến hành điều tra thêm để làm rõ các tình tiết vụ án thì mới có thể giải quyết đúng đắn vụ án.

Điều tra lại là tiến hành việc điều tra lại từ đầu theo thủ tục chung của tố tụng hình sự do cơ quan điều tra thực hiện.

Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra

Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại được quy định tại Điều 172 BLTTHS 2015 như sau:

  • Trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.
  • Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
  • Trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này. Thời hạn điều tra được tính từ khi Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.

Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 172 BLTTHS 2015.

Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại thực hiện theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi về vấn đề trên. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

4.9 (18 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 960 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *