Dịch Vụ Luật Sư

Một số lưu ý về thuế cuối năm

Một số lưu ý về thuế cuối năm là điều mà các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm vào thời điểm cuối năm. Việc nắm bắt được những loại thuế nào sẽ phải cần được quyết toán vào cuối năm cũng như hồ sơ khai quyết toán; thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế theo quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây của Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp đến quý bạn đọc những thông tin quan trọng về vấn đề này.

Lưu ý về thuế cuối nămLưu ý về thuế cuối năm

Các loại thuế cần phải quyết toán vào cuối năm

Cuối năm là thời điểm quan trọng để thực hiện việc quyết toán thuế đối với thu nhập chịu thuế trong vòng một năm qua. Có nhiều loại quyết toán thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,… và đều cần phải thực hiện quyết toán thuế. Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2020, Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, một số loại thuế cần phải quyết toán vào cuối năm là:

  • Thuế thu nhập cá nhân;
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Thuế tài nguyên;
  • Thuế bảo vệ môi trường;
  • Lệ phí môn bài;
  • Các loại thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, cá nhân cho thuê tài sản lựa chọn khai thuế theo năm.
  • Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp.

Trên đây là một số loại thuế chính sẽ được quyết toán bởi cá nhân, doanh nghiệp vào giai đoạn cuối năm.

>>>Xem thêm: Quy trình khai báo thuế của doanh nghiệp trong một năm như thế nào ?

Đối tượng phải quyết toán thuế cuối năm

Đối tượng phải thực hiện quyết toán thuế cuối năm là các cá nhân, tổ chức phát sinh thu nhập chịu thuế, hoạt động chịu thuế. Cụ thể:

Đối với thuế thu nhập cá nhân, các đối tượng phải nộp quyết toán thuế theo quy định tại Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 838/TCT-DNNCN của Tổng Cục thuế ban hành ngày 24 tháng 3 năm 2022 hướng dẫn về đối tượng phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân như sau:

  • Tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền mà không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không.
  • Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp: Người lao động ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm thực hiện quyết toán thuế.
  • Trường hợp này áp dụng cho cả đối tượng có thu nhập vãng lai không quá 10 triệu đồng ở nơi khác và đã được khấu trừ 10% thuế TNCN nếu không có yêu cầu quyết toán với phần thu nhập này.
  • Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế gồm các đối tượng: Có số thuế phải nộp thuế/nộp thừa đề nghị hoàn/bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp; có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày (tính trong năm dương lịch đầu tiên) và từ 183 ngày trở lên tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, người nước ngoài hết hợp đồng làm việc tại Việt Nam quyết toán thuế trước khi xuất cảnh….

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, căn cứ Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013), đối tượng phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cuối năm bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
  • Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Đối với thuế bảo vệ môi trường, theo Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010, đối tượng phải quyết toán thuế bảo vệ môi trường là:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo Điều 1 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010;
  • Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường;
  • Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận ủy thác bán hàng hóa vào thị trường Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường;
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường

Đối với thuế tài nguyên, căn cứ theo Điều 3 Luật Thuế tài nguyên 2014, đối tượng phải quyết toán thuế tài nguyên là:

  • Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.
  • Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh
  • Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên (trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh)
  • Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua; tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác.

Đây là một số đối tượng phải thực hiện việc quyết toán thuế trong giai đoạn cuối năm tương ứng với từng loại thuế.

Quy định hồ sơ quyết toán thuế cuối năm

Hồ sơ khai quyết toán thuế cuối năm bao gồm những gì ?

Khi khai quyết toán thuế cuối năm, bên khai quyết toán phải chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019, hồ sơ khai quyết toán thuế cuối năm bao gồm các tài liệu sau:

Đối với hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm bao gồm:

  • Hồ sơ khai thuế năm: tờ khai thuế năm và các tài liệu khác có liên quan đến xác định số tiền thuế phải nộp;
  • Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm: tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.

Đối với hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm:

  • Tờ khai quyết toán thuế;
  • Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp;
  • Tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.

Như vậy, khi quyết toán thuế cuối năm, cá nhân, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, văn bản nêu trên để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế cuối năm

Đối với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán cuối năm được quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

  • Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
  • Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
  • Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Việc nắm bắt thời hạn nộp quyết toán thuế theo quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng nên cá nhân, tổ chức cần phải lưu ý để không bị trễ thời hạn.

Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế

Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế được quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

  • Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  • Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của cơ chế đó.

Đối với địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.

Đồng thời, theo Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, tùy theo nội dung hoạt động kinh doanh mà địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với các trường hợp sau sẽ khác nhau và do Chính phủ quy định cụ thể:

  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính.
  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính.
  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh theo trường hợp Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu từ đất theo trường hợp Điểm c Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế là cá nhân có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc loại phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo Điểm d Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Trên đây là các địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật hiện nay. Cá nhân và doanh nghiệp cần nắm rõ để thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế theo đúng địa điểm.

Nơi nộp hồ sơ khai thuếNơi nộp hồ sơ khai thuế

Một số lưu ý về quyết toán thuế cuối năm

Quyết toán thuế cuối năm là một thủ tục quan trọng nhưng lại có trình tự và hồ sơ thực hiện khá phức tạp. Cá nhân và doanh nghiệp cần lưu ý một số điều khi thực hiện quyết toán thuế cuối năm như sau:

  • Cá nhân, doanh nghiệp cần nắm được thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế cuối năm để nộp hồ sơ đúng hạn, tránh bị cơ quan thuế xử phạt do hành vi chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
  • Cá nhân, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm vững các quy định về quyết toán thuế đối với từng loại thuế. Điều này sẽ giúp người nộp thuế nắm rõ được các thu nhập phải quyết toán thuế, trình tự, thủ tục, hồ sơ cần thiết, thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế,…
  • Cá nhân, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ quyết toán thuế theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra kỹ thông tin trên tờ khai quyết toán thuế
  • Cá nhân, doanh nghiệp cần cần tính toán chính xác số thuế phải nộp, số thuế được hoàn. Nếu số thuế phải nộp lớn hơn số thuế đã nộp, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm thuế. Ngược lại, nếu số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã nộp, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế.
  • Cá nhân, doanh nghiệp cần lưu giữ hồ sơ quyết toán thuế trong suốt thời hạn quy định để đảm bảo các căn cứ để cơ quan thuế kiểm tra, xác định số thuế phải nộp hoặc số thuế được hoàn của doanh nghiệp; tránh được các rủi ro về nghĩa vụ nộp thuế sau này.

Trên đây là những lưu ý mà cá nhân, doanh nghiệp cần quan tâm khi thực hiện quyết toán thuế vào cuối năm.

Luật sư tư vấn quyết toán thuế cuối năm

Quá trình quyết toán thuế có thể phát sinh nhiều rủi ro và các vấn đề pháp lý khó khăn. Vì vậy để đảm bảo việc thực hiện quyết toán thuế diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Chuyên Tư Vấn Luật sẽ gửi đến khách hàng dịch vụ tư vấn liên quan đến việc quyết toán thuế cuối năm như sau:

  • Tư vấn các trường hợp thực hiện quyết toán thuế.
  • Tư vấn, soạn thảo hồ sơ quyết toán thuế.
  • Tư vấn địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo đúng quy định pháp luật.
  • Tư vấn về trình tự thủ tục thực hiện việc quyết toán thuế cuối năm
  • Tư vấn, hỗ trợ việc thực hiện tính mức thuế mà cá nhân, doanh nghiệp phải nộp.
  • Thay mặt khách hàng soạn thảo đơn từ, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế theo quy định;
  • Thay mặt khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền về quyết toán thuế cuối năm
  • Tư vấn, giải quyết các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện quyết toán thuế cuối năm;

Việc có sự tham vấn từ đội ngũ luật sư sẽ giúp cho quá trình quyết toán thuế tránh được rủi ro và được diễn ra theo đúng với quy định pháp luật.

Dịch vụ luật sư tư vấn quyết toán thuếDịch vụ luật sư tư vấn quyết toán thuế

Thời điểm quyết toán thuế cuối năm đã đến. Các cá nhân, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định của pháp luật về quyết toán thuế, tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Bài viết trên của chúng tôi đã gửi đến quý đọc giả về một số lưu ý về thuế cuối năm. Nếu còn có những thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng Dịch vụ Luật sư tư vấn về thuế cuối năm của Chuyên Tư Vấn Luật, vui lòng liên hệ chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn.

4.7 (15 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 121 bài viết