Nhiều người tự hỏi liệu người nhà có được gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian điều tra? Tâm lý của người nhà luôn nôn nóng muốn gặp người thân của mình đang bị tạm giữ tạm giam để hỏi chuyện, động viên người đó hay khuyên nhủ để họ tự thú nhận sự khoan hồng. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Người nhà có được thăm người đang bị tam giữ tạm giam trong thời gian điều tra
Mục Lục
Thế nào là người bị tạm giam, tạm giữ?
Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ hai, theo Khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Người thân có được gặp mặt người bị tạm giam, tạm giữ trong thời gian điều tra không?
Theo điểm d Khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giữ, tạm giam có quyền gặp thân nhân.
Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại được quy định theo Khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.
Như vậy, người nhà thuộc những đối tượng được nêu trên vẫn được thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian điều tra.
Thủ tục thăm gặp người bị tạm giữ tạm giam
Thủ tục xin gặp người bị tạm giam, tạm giữ được quy định như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định thủ tục xin gặp người bị tạm giữ, tạm giam như sau:
Thứ nhất, thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Khoản 3, 4, 5 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định thời gian thăm người bị tạm giữ, tạm giam, cụ thể:
Một, người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
Hai, người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ.
Ba, trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.
Thứ ba, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Thứ tư, ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.
Lưu ý, đối với trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài thì theo Khoản 5 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Khoản 1 Điều 12 Nghị định 120/2017/NĐ-CP, việc thăm gặp vẫn được thực hiện theo thủ tục, thời gian được nêu ở trên.
Trường hợp có yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án để xem xét, quyết định việc thăm gặp.
Trên đây là những thông tin về vấn đề người thân có được gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian điều tra không. Nếu các bạn còn thắc mắc về vấn đề này thì hãy liên hệ tới chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để nhận được sự tư vấn từ phía Luật sư.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.