Tin tức

Có được yêu cầu định giá lại trong vụ án hình sự không?

Có được yêu cầu định giá lại trong vụ án hình sự không thường được đặt ra khi có nghi ngờ kết luận định giá tài sản. Trong tố tụng hình sự, định giá tài sản có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vụ án. Do đó, cần yêu cầu định giá lại trong một số trường hợp để đảm bảo vụ án hình sự được giải quyết đúng quy định pháp luật. Bài viết dưới đây của Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp cho Quý độc giả về thắc mắc nêu trên.

Yêu cầu định giá lại trong tố tụng hình sựYêu cầu định giá lại trong tố tụng hình sự

Quy định về định giá tài sản trong vụ án hình sự

Trường hợp cần phải định giá tài sản

Việc định giá tài sản để giải quyết vụ án hình sự được thực hiện khi cần xác định giá của tài sản. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

Căn cứ khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm:

  • Cơ quan điều tra;
  • Viện kiểm sát;
  • Tòa án.

Ngoài ra, trường hợp có yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, việc yêu cầu sẽ thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ sở pháp lý: Điều 215 BLTTHS 2015.

Chủ thể tiến hành định giá tài sản

Chủ thể có thẩm quyền định giá tài sảnChủ thể có thẩm quyền định giá tài sản

Căn cứ theo Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chủ thể tiến hành định giá là Hội đồng định giá tài sản. Bao gồm:

Thứ nhất, Hội đồng định giá thường xuyên.

  • Hội đồng định giá thường xuyên cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Hội đồng định giá thường xuyên cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

Thứ hai, Hội đồng định giá theo vụ việc.

  • Hội đồng định giá theo vụ việc cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Hội đồng định giá theo vụ việc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP.
  • Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ.

Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá.

Cơ sở pháp lý: Điều 217 BLTTHS 2015; Điều 6, 7 Nghị định 30/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2019/NĐ-CP).

>>> Xem thêm: Thời hạn định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Có được yêu cầu định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự?

Căn cứ khoản 1 Điều 218 BLTTHS 2015, người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản khi có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu. Tuy nhiên, việc yêu cầu định giá lại tài sản là do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Cụ thể như sau:

  1. Định giá lại lần 1: Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.
  2. Định giá lại lần 2: Định giá lại khi có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại lần 1 và được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
  • Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá theo quy định; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá;
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.
  • Định giá lại trong trường hợp đặc biệt: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá tài sản. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

Như vậy, có thể yêu cầu định giá lại tài sản khi có sự nghi ngờ kết luận định giá hoặc có sự khác nhau giữa các kết quả định giá hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Cơ sở pháp lý: Điều 218 BLTTHS 2015, Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2019/NĐ-CP.

Thủ tục yêu cầu định giá lại trong tố tụng hình sự

Thủ tục yêu cầu định giá lại tài sản

Thủ tục yêu cầu định giá lại tài sản

Việc yêu cầu định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện tương tự như yêu cầu định giá lần đầu. Cụ thể như sau:

Bước 1: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại (nếu có).

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại.

Bước 3: Gửi yêu cầu định giá lại

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Bước 4: Tiến hành định giá lại tài sản trong thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu.

Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết.

Bước 5: Trả kết luận định giá

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.

Cơ sở pháp lý: Điều 216, 217, 221 BLTTHS 2015.

>>> Xem thêm: Thủ tục thẩm định giá tài sản trong vụ án hình sự

Tư vấn thủ tục đề nghị định giá lại tài sản trong vụ án hình sự

  • Tư vấn các trường cần phải định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
  • Tư vấn quyền của khách hàng được yêu cầu định giá tài sản, định giá lại tài sản
  • Hướng dẫn thực hiện các thủ tục, quy trình định giá tài sản.
  • Chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản
  • Soạn đơn yêu cầu định giá tài sản, định giá lại tài sản
  • Tham gia bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

>>Xem thêm: Giá thuê luật sư bào chữa vụ án hình sự

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng hình sự. Việc xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm, thiệt hại là căn cứ trong việc xác định hành vi có phạm tội hay không, cũng như việc áp dụng đúng khung hình phạt, mức hình phạt. Nếu Quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư hình sự tư vấn.

4.5 (18 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 121 bài viết