Luật Hình Sự

Thời hạn định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự là hoạt động nhằm xác định giá trị tài sản bị xâm phạm, dựa trên thiệt hại là căn cứ trong việc xác định cấu thành phạm tội của hành vi, cũng như việc áp dụng đúng mức định khung hình phạt. Thời hạn định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự cũng như căn cứ vào thẩm quyền để thành lập hội đồng thẩm định.

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Quy định về định giá tài sản trong vụ án hình sự

Thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá tài sản

Căn cứ Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản

Thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá tài sản được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bao gồm:

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 36;
  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 41;
  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 44 và điểm đ khoản 2 Điều 45.

Trong trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có yêu cầu định giá tài sản thì căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người này có quyền yêu cầu Tòa án thẩm định, định giá tài sản cho bị hại, đương sự mà họ đang bảo vệ.

Trong trường hợp yêu cầu định giá tài sản được chấp nhận, việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá tài sản biết; khi được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản thì có quyền đưa ra ý kiến căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ luật này.

>>> Xem thêm: Thủ Tục Thẩm Định Giá Tài Sản Trong Vụ Án Hình Sự

Thủ tục tiến hành định giá tài sản

Khi có yêu cầu định giá tài sản hoặc xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản. Nội dung văn bản yêu cầu định giá tài sản và thời hạn giải quyết được quy định tại khoản 2 Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra căn cứ theo khoản 3 Điều này.

Thủ tục tiến hành định giá tài sản được quy định chi tiết và cụ thể trong Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Theo đó, thủ tục bao gồm các bước:

  • Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản căn cứ theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2018/NĐ-CP. Thời hạn định giá tài sản được quy định tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
  • Căn cứ định giá tài sản dựa trên các tiêu chí về giá và các căn cứ khác theo Điều 15;
  • Khảo sát tài sản cần định giá; khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá theo Điều 16;
  • Phương pháp định giá tài sản theo Điều 17;
  • Phiên họp định giá tài sản theo Điều 18;
  • Biên bản phiên họp định giá tài sản theo Điều 19;
  • Kết luận định giá tài sản theo Điều 20.

Thủ tục định giá tài sản

Các trường hợp phải định giá lại tài sản

Không phải trường hợp nào tài sản cũng cần phải giám định lại. Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản căn cứ theo Điều 218 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Theo đó, trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

Đối với trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn thì việc định giá tài sản được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự có các quy định chi tiết về định giá lại tài sản như sau:

  • Việc định giá lại tài sản sẽ được thực hiện trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu khi cơ quan có thẩm quyền có đủ căn cứ nghi ngờ với kết luận định giá tài sản.
  • Việc định giá lại tài sản lần thứ hai sẽ được thực hiện trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết quả định giá lần đầu và kết quả định giá lại tài sản, đồng thời cơ quan có thẩm quyền vẫn có quyền yêu cầu định giá lại lần thứ hai trên cơ sở có đủ căn cứ nghi ngờ về kết quả định giá lại.

Tòa án ra quyết định định giá lại tài sản

Định giá tài sản theo pháp luật tố tụng hình sự trong thời hạn bao lâu?

Căn cứ theo Điều 221 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về kết luận định giá tài sản quy định thời hạn định giá tài sản như sau:

  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.
  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Đối với trường hợp bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác sẽ nhận được thông báo về kết luận định giá tài sản sau thời hạn mà pháp luật Tố tụng Hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 222 Bộ luật này:

  • Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.
  • Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo

  • Tư vấn những vấn đề pháp lý trong quá trình giám định tài sản trong tố tụng hình sự.
  • Tư vấn thực hiện các thủ tục, trình tự định giá tài sản.
  • Luật sư tranh tụng tham gia tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích của khách hàng.
  • Tư vấn thu thập các tài liệu chứng cứ có lợi cho khách hàng.
  • Luật sư tư vấn hướng giải quyết có lợi nhất cho bị can, bị cáo.

Bài viết đã khái quát các nội dung về các quy định định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nếu quý khách còn bất kỳ vướng mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện của chúng tôi xin hãy vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn luật hình sự  qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả nhất. Xin chân thành cảm ơn.

4.5 (10 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết