Tình trạng khẩn cấp (State of Emergency) là trạng thái xã hội đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến cho cơ quan nhà nước phải gia tăng quyền lực của mình ban hành những biện pháp ứng phó đặc biệt nhằm bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Bài viết sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ phân tích rõ hơn cho quý độc giả những quy định pháp luật Việt Nam về tình trạng khẩn cấp của một số quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam, từ đó liên hệ áp dụng tình trạng khẩn cấp trong tình hình khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.
Mục Lục
Tình trạng khẩn cấp là gì?
Tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra sau khi xuất hiện những thảm họa tự nhiên như bão lụt, hỏa hoạn, động đất, sóng thần, dịch bệnh, …, hoặc thảm họa do con người tạo ra như bạo loạn có vũ trang, lật đổ chính quyền, …mà gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức, nhà nước, xã hội.
Tuy nhiên, chỉ khi những thảm họa này xảy ra trên thực tế và đã làm thay đổi trạng thái xã hội bình thường của đời sống con người, nhà nước, xã hội, tạo nên những tình huống đặc biệt đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó đặc biệt nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước, xã hội, cá nhân thì mới gọi là tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, tình trạng khẩn cấp là tình huống đặc biệt nghiêm trọng ở một quốc gia mà trong đó cơ quan nhà nước được trao quyền thực hiện các hành động, hoặc áp đặt các biện pháp mà theo Hiến pháp sẽ không được phép thực hiện trong bối cảnh bình thường giúp chính phủ có thể hành động nhanh chóng để xử lý tình hình trong bối cảnh cấp thiết.
Tình trạng khẩn cấp theo quy định của một số nước trên thế giới
Tình trạng khẩn cấp theo quy định pháp luật Pháp
Tại Pháp, tình trạng khẩn cấp đươc quy định trong Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958. Khi đó, Tổng thống sau khi hỏi ý kiến chính thức của Thủ tướng, Chủ tịch hai Viện và Hội đồng Hiến pháp, sẽ áp dụng các biện pháp thích ứng với tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, Tổng thống có nghĩa vụ tuyên bố với Quốc gia và thông báo các biện pháp được áp dụng nhằm cung cấp các phương thức thực hiện nhiệm vụ của các chủ thể công quyền theo Hiến pháp.
Tình trạng khẩn cấp theo quy định pháp luật Hoa Kỳ
Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa kỳ không đề cập thuật ngữ “tình trạng khẩn cấp”. Tuy nhiên, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ nắm quyền trong những lúc quốc gia trải qua cơn khủng hoảng đều khẳng định rằng họ có những quyền dùng biện pháp đặc biệt theo Hiến pháp.
Theo đó, quyền lực khẩn cấp tại Hoa Kỳ được hiểu theo hai nghĩa:
- Quyền lực đặc biệt trao cho chính phủ/cơ quan hành pháp cho phép đình chỉ hiệu lực của các thủ tục lập pháp hoặc các trình tự tư pháp thông thường;
- Quyền lực được nới rộng cho Tổng thống Mỹ theo khoản 2, 3 Điều 2 Hiến pháp vì tính khẩn cấp của tình hình, nhằm đối phó với vấn đề đang diễn ra.
Việc thực hiện quyền lực khẩn cấp sau đó có thể được xem xét hoặc không bởi Tòa án tối cao. Việc giám sát chéo như vậy giúp hạn chế việc lạm dụng quyền lực khẩn cấp của Tổng thống, buộc Tổng thống chỉ có thể sử dụng quyền lực này khi thực sự cần thiết.
Tình trạng khẩn cấp theo quy định pháp luật Trung Quốc
Tại Trung Quốc, tình trạng khẩn cấp được quy định tại Luật về tình trạng khẩn cấp ban hành năm 2007. Luật chủ yếu tiếp cận tình trạng khẩn cấp bằng cách trao quyền cho nhà nước để nhà nước chủ động ban hành các biện pháp đối phó hiệu quả, kịp thời với tình trạng khẩn cấp.
Theo quy định ở Trung Quốc, sự tham vấn người dân không thật sự cần thiết khi nhà nước nhận thấy việc ban hành tình trạng khẩn cấp, áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tình trạng khẩn cấp là hợp lý và nhằm bảo vệ lợi ích của người dân và xã hội. Đây là dấu ấn điển hình của phong cách nhà nước phụ mẫu.
Tình trạng khẩn cấp theo quy định pháp luật Việt Nam
Điều kiện công bố
Điều 1 Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/3/2000 quy định điều kiện công bố tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Ngoài ra, điều kiện công bố tình trạng khẩn cấp còn được quy định cụ thể tại các văn bản luật chuyên ngành:
- Luật Quốc phòng 2018: Khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh (khoản 10 Điều 2);
- Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước (khoản 1 Điều 42);
- Luật Thú y 2015: Khi dịch bệnh động vật lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế – xã hội (khoản 6 Điều 26).
Như vậy, những văn bản pháp luật trên sẽ là điều kiện, cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp đối với quốc gia.
Thẩm quyền công bố
Khoản 10 Điều 74 Hiến pháp Việt Nam 2013 Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Trình tự của việc quyết định và công bố thường chia 2 công đoạn: công đoạn quyết định và công đoạn công bố.
- Công đoạn quyết định thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Công đoạn công bố thuộc thẩm quyền của Nguyên thủ quốc gia – Chủ tịch nước (khoản 5 Điều 88 Hiến pháp 2013)
Ngoài ra, trình trạng khẩn cấp còn được quy định chi tiết hơn tại Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2000. Điều 2 của Pháp lệnh này quy định: Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp, thì theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Chính sách quản lý hành chính đối với tình trạng khẩn cấp
Điều, 6, Điều 7, Điều 8 Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân sau đây:
- Cấm người, phương tiện ra, vào trên địa bàn, khu vực nhất định;
- Cấm người, phương tiện hoạt động trong thời gian nhất định;
- Trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân;
- Đóng cửa nhà hát, rạp chiếu bóng và các nơi sinh hoạt công cộng khác;
- Cấm bãi công, bãi khóa, bãi thị;
- Cấm, giải tán các cuộc biểu tình, các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động của cá nhân, tổ chức;
- Đình chỉ hoạt động giao thông đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy;
- Hạn chế xuất, nhập cảnh, quá cảnh; tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh đối với một số trường hợp đã được cấp thị thực;
- Kiểm soát phương tiện thông tin đại chúng; kiểm duyệt xuất bản; đình chỉ việc xuất bản;
- Áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc sử dụng các phương tiện liên lạc.
Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 còn quy định những biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp sau đây:
- Người bị bắt hoặc bị tạm giữ theo quy định của pháp luật phải được xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc thủ tục xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 14);
- Người bị bắt và bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về cấm đi lại, nếu có giấy tờ tùy thân hợp lệ thì được trả tự do ngay sau khi hết thời gian cấm đi lại; trong trường hợp người bị bắt không có giấy tờ tùy thân thì bị tạm giữ cho đến khi xác minh được về nhân thân của người đó nhưng không quá bảy mươi hai giờ (điểm c khoản 2 Điều 14);…
Ngoài ra, các văn bản luật chuyên ngành còn quy định bổ sung một số biện pháp hạn chế, bảo đảm quyền con người, quyền công dân khác trong tình trạng khẩn cấp.
Sự tham gia của quân đội vào quản lý hành chính
Quân đội tham gia vào quản lý hành chính trong tình trạng khẩn cấp mãnh mẽ nhất là khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình. Khi đó, thiết quân luật – biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện sẽ được áp dụng nhằm áp đặt sức mạnh quân sự tại những vùng/địa bàn đang được chỉ định.
Theo Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa phương thiết quân luật được giao cho đơn vị quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp đặc biệt để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp sau:
- Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;
- Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;
- Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;
- Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc,…
Covid-19 và sự lựa chọn tình trạng khẩn cấp trong chính sách phòng chống dịch
Đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới bị đảo lộn, phá vỡ hoàn toàn trật tự cuộc sống. Tại Việt Nam, trong bối cảnh đối phó với dịch Covid-19, ngày 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu chuẩn bị cơ sở pháp lý để sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch viêm phổi.
Điều này là bởi theo quy định tại các Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Covid-19 có thể được xem là bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây bệnh là vi rút Corona, vì vậy, có căn cứ để tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật này.
Mặc dù vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức công bố tình trạng khẩn cấp. Thay vào đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Chỉ thị số 16/CT-TTg để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 như hạn chế quyền đi lại của công dân, thực hiện đeo khẩu trang…
Có thể thấy, nội dung của Chỉ thị 16 thực chất có thể coi là một dạng tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì mang tính chất bắt buộc các chủ thể trong xã hội phải tuân theo bởi các từ “yêu cầu”, “chỉ”, “phải”, “thực hiện nghiêm”…Tuy nhiên, việc ban hành Chỉ thị này chưa phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, vì Thủ tướng chỉ có quyền đề nghị chứ không có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.
Thêm vào đó, theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Việt Nam, Chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó có nghĩa là Chỉ thị không thể dùng để áp đặt các quy tắc cư xử bắt buộc cho các chủ thể trong xã hội, mà chỉ là văn bản hướng dẫn thực hành trong nội bộ một cơ quan nhà nước.
Như vậy, Văn phòng Chính phủ – cơ quan soạn thảo Chỉ thị – đã có sự nhầm lẫn về tính chất và hiệu lực của văn bản. Cơ quan có thẩm quyền cần công bố tình trạng khẩn cấp nếu muốn tăng tính hiệu lực bắt buộc của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Thông tin liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật
Các quý độc giả hãy lưu thông tin và liên hệ với chúng tôi khi cần hỗ trợ vấn đề pháp luật.
Hãy liên lệ với chúng tôi – Chuyên Tư Vấn Luật
Nơi cung cấp dịch vụ pháp lý một cách “Tận tâm- Uy tín- Hiệu quả“
- Hotline: 1900 63 63 87
- Website: chuyentuvanluat.com
- Email: chuyentuvanluat@gmail.com
- Zalo: 0819 70 748
- FACEBOOK: FANPAGE Chuyên Tư Vấn Pháp Luật
- Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, TP.HCM.
- Văn phòng giao dịch: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Tình trạng khẩn cấp và quy định pháp luật việt nam về tình trạng khẩn cấp. Nếu quý đọc giả còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Luật sư của Chuyên tư vấn luật hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Xin cảm ơn!