Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 hiện đang là văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, với sự vận động và phát triển của xã hội, một số quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, gần đây dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tháng 10-11/2021. Bài viết sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ cùng với quý độc giả bàn về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bàn về tính cấp thiết của việc sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm
Mục Lục
- Tính bất cập của luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (Luật KDBH) sửa đổi, bổ sung 2010, 2019
- Quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn bất cập
- Tính cấp thiết của việc phải sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm 2000
- Các nội dung mới thể hiện trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm
- Đề xuất, kiến nghị về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm
Tính bất cập của luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (Luật KDBH) sửa đổi, bổ sung 2010, 2019
Một số quy định về giải thích từ ngữ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa chính xác
- Thứ nhất, quy định về bảo hiểm phi nhân thọ
Khoản 18 Điều 3 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định: “Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ”. Quy định này chỉ phù hợp trước khi có Luật KDBH sửa đổi năm 2010 bởi vì theo Điều 7 Luật KDBH năm 2000, bảo hiểm chỉ chia thành hai loại là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Tuy nhiên, Luật KDBH sửa đổi năm 2010 đã xác định có ba loại hình bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Do bảo hiểm sức khỏe có những đặc thù riêng nhất định nên pháp luật đã tách và điều chỉnh bằng các quy định riêng. Như vậy, khái niệm về Bảo hiểm phi nhân thọ đã bao hàm cả loại hình bảo hiểm sức khỏe, gây ra bất cập giữa các điều luật với nhau.
- Thứ hai, quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH năm 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Do đó theo quy định này và Điều 31 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019, trong bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được bảo hiểm được xác định là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Tổ chức (người sử dụng lao động) cũng có thể mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động để thu hút, giữ chân người lao động trong các doanh nghiệp. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC quy định: “2.11. Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp … bảo hiểm nhân thọ cho người lao động” là khoản chi không được vào khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định trên thì việc Tổ chức (NSDLĐ) mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động là hợp pháp mặc dù mối quan hệ giữa tổ chức và người lao động không hề có mối quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình hoặc Bộ luật Dân sự, nhưng khi áp dụng vào Luật KDBH năm 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 lại không phù hợp và trái với quy định pháp luật.
Quy định về loại hình bảo hiểm bắt buộc chưa hợp lý
- Thứ nhất, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm
Theo điểm b khoản 3 Điều 93a Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định “Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 8 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 lại không quy định loại hình bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc.
- Thứ hai, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Theo khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng 2014 quy định: “Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 8 Luật KDBH2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 thì loại hình bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên không được quy định trong các loại hình bảo hiểm bắt buộc.
- Thứ ba, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP. Tương tự, loại hình bảo hiểm này cũng không được quy định trong các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại khoản 2 Điều 8 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019.
Như vậy, có thể nhận thấy, quy định về bảo hiểm bắt buộc trong Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 vẫn còn chưa hợp lý, chưa liệt kê bao quát các loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ giới hạn một số loại bảo hiểm bắt buộc.
Bất cập trong các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn
Theo quy định của khoản 1 Điều 49 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định: “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”.
Và theo khoản 2 Điều 49 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định: “Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm”.
Tuy nhiên, quy định trên chỉ đúng khi doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chưa trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm và biết trước hoặc có những bằng chứng chứng minh người được bảo hiểm không bảo lưu hoặc không từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì mới có thể khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
Trong trường hợp DNBH đã trả tiền bồi thường thì chỉ có thể yêu cầu người được bảo hiểm hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng.
Quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn bất cập
Theo quy định của Điều 26 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định “Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó”.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định: “Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới”. Theo đó, chủ xe cơ giới cũ không cần phải thông báo bằng văn bản cho DNBH về việc chuyển nhượng nhưng chủ cơ giới mới vẫn có quyền lợi bảo hiểm.
Như vậy, Điều 26 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 đang mâu thuẩn với khoản 3 Điều 10 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, vì trong Luật KDBH hiện hành không có bất kỳ quy định ngoại lệ nào liên quan trong việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm mà không cần phải thông báo cho DNBH.
Tính cấp thiết của việc phải sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm 2000
Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Sau khi nghiên cứu về tính bất cập của Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 được phân tích ở trên, có thể nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật KDBH trở nên cần thiết và cấp thiết hơn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, một số quy định về giải thích từ ngữ trong Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 còn chưa chính xác, lạc hậu, không phù hợp với cách tiếp cận hiện nay. Cần xem xét và điều chỉnh lại khái niệm về “bảo hiểm phi nhân thọ” và “quyền lợi có thể được bảo hiểm” cho phù hợp với các quy định tương ứng khác để đảm bảo tính chính xác của pháp luật.
Thứ hai, quy định về loại hình bảo hiểm bắt buộc còn chưa hợp lý, cần phải bổ sung một số loại hình bảo hiểm bắt buộc còn thiếu vào khoản 2 Điều 8 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 khi xác định về các loại hình bảo hiểm bắt buộc. Việc này là cần thiết vì nếu không quy định thêm một số trường hợp bảo hiểm bắt buộc sẽ dễ gây ra nhầm lẫn rằng ngoài các loại hình bảo hiểm trong khoản 2 Điều 8 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 thì không còn bất kỳ loại hình bảo hiểm bắt buộc nào khác. Trong khi đó, vẫn còn một số loại hình bảo hiểm bắt buộc được quy định trong các Điều luật khác trong Luật KDBH và các Điều luật trong Luật Công Chứng, Nghị định 119/2015/NĐ-CP….
Thứ ba, bất cập trong các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn. Việc quy định về chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn trong khoản 2 Điều 49 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 vẫn đang còn chưa rõ ràng, chưa bao quát được hết các trường hợp có thể xảy ra khi người được bảo hiểm không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường. Cần bổ sung vấn đề về yêu cầu người được bảo hiểm hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng trong trường hợp DNBH đã trả tiền bồi thường nhưng người được bảo hiểm không từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường.
Thứ tư, quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn bất cập. Cụ thể, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP đang mâu thuẩn với Điều 26 Luật KDBH về việc chủ xe cơ giới cũ không cần phải thông báo bằng văn bản cho DNBH về việc chuyển nhượng nhưng chủ cơ giới mới vẫn có quyền lợi bảo hiểm. Mặc dù quy định của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP là trái với quy định Luật KDBH nhưng phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho chủ sở hữu phương tiện và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba. Do đó, để đảm bảo không có sự mâu thuẩn trong hệ thống pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung Điều 26 Luật KDBH theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều luật này.
Tính cấp thiết của việc phải sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm 2000
Các nội dung mới thể hiện trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm
Một số nội dung mới nổi bậc thể hiện trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau:
Thứ nhất, theo khoản 14 Điều 4 của Dự thảo, khái niệm về bảo hiểm phi nhân thọ đã được sửa đổi như sau: “Bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác, hoặc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba”. Quy định này đã khắc phục được tính bất cập trong khoản 18 Điều 3 Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 khi quy định bảo hiểm phi nhân thọ bao hàm cả bảo hiểm sức khỏe.
Thứ hai, theo 24 Điều 4 của dự thảo quy định “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền lợi hợp pháp của bên mua bảo hiểm đối với người được bảo hiểm hoặc đối tượng bảo hiểm”. Điều khoản này bao quát hơn quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật KDBH 2000 và đã khắc phục được tình trạng trong bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, tổ chức (NSDLĐ) vẫn có thể mua bảo hiểm cho người lao động mà không cần phải có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.
Thứ ba, Điều 9 của Dự thảo đã bổ sung loại hình bảo hiểm bắt buộc của hoạt động đầu tư xây dựng và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 9 do Quốc hội quy định là một trong những loại bảo hiểm bắt buộc. Điều này đã khắc phục được việc Luật KDBH 2000 sửa đổi, bổ sung 2010, 2019 quy định không đầy đủ về các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại khoản 2 Điều 8.
Thứ tư, Điều 53 của Dự thảo đã bổ sung việc DNBH có thể yêu cầu người được bảo hiểm hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng khi người được bảo hiểm cố tình làm cho DNBH không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường từ bên thứ ba. Và bổ sung trường hợp sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và trước khi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường mà người được bảo hiểm từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường đối với bên thứ ba, thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm trả tiền bồi thường.
Ngoài ra, còn một số điểm mới khác được quy định trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đề xuất, kiến nghị về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm
Bên cạnh việc Dự thảo Luật KDBH (sửa đổi) đã khắc phục được một số vấn đề bất cập trong quy định của Luật KDBH 2000 sửa đổi bổ sung 2010, 2019 được nêu ở trên, các quy định trong Dự thảo vẫn còn tồn tại và phát sinh thêm nhiều vấn đề bất cập. Sau khi nghiên cứu và phân tích các Điều luật trong Dự thảo, Chuyên tư vấn luật đưa ra những đề xuất, kiến nghị về dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm như sau:
- Thứ nhất, quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm
Khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và trong trường hợp này thì doanh nghiệp bảo hiểm “không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm”.
Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự 2015, thì khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận (trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp). Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
Việc Dự thảo quy định doanh nghiệp “không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm” khi hủy bỏ hợp đồng là chưa phù hợp với quy định về hủy bỏ hợp đồng quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất của quy định.
- Thứ hai, quy định về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Dự thảo thì bên mua bảo hiểm nhân thọ không phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên việc này có thể gây ra thiệt hại cho một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bởi nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm trong khi không được thu phí bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 24 của Dự thảo.
- Thứ ba, quy định về người thụ hưởng
Khoản 2 Điều 39 Dự thảo quy định “Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ có thể chỉ định người thụ hưởng”.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Dự thảo thì “Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhóm”. Như vậy, khoản 2 Điều 39 Dự thảo người đại diện theo pháp luật và người giám hộ nếu không phải là người người mua bảo hiểm thì không thể chỉ định người thụ hưởng.
Đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 39 Dự thảo như sau “Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng”.
Đề xuất, kiến nghị về dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm
Trên đây là các ý kiến đề xuất, kiến nghị về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm của Chuyên tư vấn luật. Nếu quý độc giả có bất kỳ ý kiến đóng góp nào cho bài viết, hãy liên hệ với chúng tôi thông qua website Chuyên tư vấn luật để cùng nhau trao đổi, đánh giá và phân tích những vấn đề bất cập trong quy định pháp luật và cùng nhau xây dựng hệ thống pháp luật trở nên hoàn thiện hơn.
Chuyên Tư Vấn Luật xin chân thành cảm ơn và tri ân quý độc giả đã quan tâm bài viết và website chuyentuvanluat.com của chúng tôi.