Dịch Vụ Luật Sư

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án

Tranh chấp kinh doanh, thương mại là một trong các loại tranh chấp phổ biến hiện nay. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa ánphương thức giải quyết tranh chấp khi các bên chọn thực hiện tại cơ quan Nhà nước để đưa ra các phán quyết xử lý mang tính ràng buộc về quyền và nghĩa vụ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp lý liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án.

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án

Quy định về tranh chấp thương mại

Khái niệm tranh chấp thương mại được ghi nhận lần đầu từ Luật Thương mại 1997.

Đến Luật Thương mại 2005, định nghĩa này không còn được trực tiếp quy định trong luật, nhưng thông qua khái niệm Hoạt động thương mại đã tạo được sự tương đồng trong quan niệm về thương mại và tranh chấp thương mại.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Do đó, có thể hiểu, tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, khi có sự mâu thuẫn, bất động hay xung đột về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện.

Khi nào giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án?

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Tòa án được thực hiện theo các trình tự, thủ tục tại quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015.

  • Thẩm quyền giải quyết theo vụ việc: Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Điều 30 BLTTDS 2015.
  • Thẩm quyền giải quyết theo cấp: đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015). Đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ( Điểm a Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015).
  • Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ: căn cứ theo quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015 để xác định cụ thể tòa án nơi nào có thẩm quyền giải quyết.

Giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án

Trình tự, thủ tục xử lý tranh chấp thương mại tại tòa

Hồ sơ khởi kiện

Tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Tòa cũng tương tự với các tranh chấp về dân sự hay các tranh chấp khác, đều phải có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án.

Theo đó, cá nhân, tổ chức sẽ gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. (khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015)

Các bước xử lý của tòa án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 191 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ xem xét đơn và đưa ra một trong các quyết định sau:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

CSPL: khoản 2, 3 Điều 191, khoản 1 Điều 195, khoản 1 Điều 196 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Thời hạn giải quyết tranh chấp

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015, đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, thời hạn để Tòa án chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. (quy định tại khoản 4 Điều 203 BLTTDS 2015)

Bên cạnh đó, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án có quyền tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ các trường hợp vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được (Điều 206, 207 BLTTDS 2015) hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

CSPL: điểm b khoản 1, khoản 4 Điều 203, khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Xử lý tranh chấp thương mại tại tòa

Luật sư giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án

  • Tư vấn, giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án.
  • Hướng dẫn soạn thảo văn bản, đơn khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Quý khách hàng.
  • Tư vấn, hướng Quý khách hàng hướng giải quyết tranh chấp tốt nhất.
  • Trực tiếp tham gia quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án với tư cách người đại diện ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Quý khách hàng.

Tranh chấp thương mại có nhiều cách thức khác nhau để giải quyết như thương lượng, hòa giải hoặc Tòa án. Khi lựa chọn Tòa án là nơi giải quyết tranh chấp cần phải tuân theo trình tự, thủ tục đúng quy định pháp luật. Vì vậy, nếu quý khách hàng muốn biết thêm thông tin, hoặc có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.63.63.87 hoặc email: chuyentuvanluat@gmail.com để được Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật tư vấn cụ thể.

4.65 (20 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 82 bài viết