Luật Đất Đai

Xử phạt sử dụng đất sai mục đích như thế nào ?

Thế nào là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích? Quy trình xử phạt sử dụng đất sai mục đích như thế nào? Người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất theo mục đích được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện đất sử dụng sai mục đích, người sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Sử dụng đất không đúng mục đích và hình thức xử phạt

Sử dụng đất không đúng mục đích và hình thức xử phạt

Thế nào là sử dụng đất không đúng mục đích ?

Đầu tiên phải xét đến mục đích sử dụng đất là gì ?

Mục đích sử dụng đất là cách thức Nhà Nước phân loại đất đai và yêu cầu người quản lý phải tuân thủ các quy định khi giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đúng mục đích đất được giao ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất.

Căn cứ để xác định mục đích sử dụng đất, ta dựa theo một trong các căn cứ tại Điều 11 Luật đất đai 2013 sau đây:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai 2013 đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;
  • Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vậy nên, sử dụng đất không đúng mục đích sẽ được hiểu là hành vi mà đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền.

>> Xem thêm: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích gồm những trường hợp nào ?

Cụ thể từ Điều 9 đến Điều 13 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định các trường hợp coi là sử dụng đất không đúng mục đích gồm:

  • Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
  • Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
  • Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
  • Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
  • Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.

Quy trình xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích

Quy trình xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích được thực hiện theo quy trình được quy định tại Chương III – Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cụ thể như sau:

Quy trình xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích như thế nào?

Quy trình xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích như thế nào?

>> Xem thêm: Thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư

Bước đầu tiên, bằng hiệu lệnh, còi, văn bản, lời nói hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ (Thông thường sẽ là Thanh tra của cơ quan Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND) có thể áp dụng những hình thức này để buộc người vi phạm chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm của mình theo Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Đồng thời, tùy vào từng hành vi vi phạm cụ thể, cán bộ có thẩm quyền được phép:

  • Xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ không cần lập biên bản bằng hình thức Cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức theo Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
  • Xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức lập biên bản theo Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Tiếp đến, theo Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức lập biên bản, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Trong một số trường hợp như vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp mà cần thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền được gia hạn thời hạn này nhưng không được quá 30 ngày.
  • Quá thời hạn kể trên, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

Cuối cùng, theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề xử phạt hành vi sử dụng đất không đúng với mục đích ban đầu. Trường hợp quý khách cần hỗ trợ gửi yêu cầu tư vấn luật đất đai hoặc có nhu cầu đặt lịch gặp trực tiếp luật sư hãy liên hệ ngay đến công ty chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

4.7 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *