Tin tức

Vụ Kiện Hậu Quả Chất Độc Màu Da Cam Trong Chiến Tranh Việt Nam

Vụ kiện hậu quả chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam là vụ kiện của Nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam hay gọi là Dioxin đối với 37 công ty sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ, những đơn vị đã sản xuất các chất hóa học phát quang cây cối có chứa chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó nổi bật là các công ty: Dow Chemical, Montaso Ltd, Phamacia Corporation, và Hercules Incorporated. Vụ kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và quốc tế. Vài tổ chức xã hội đã kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc dioxin, ủng hộ bên nguyên đơn. Diễn biến và kết quả vụ kiện hậu quả chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Diễn biến vụ kiện của nạn nhân chất độc màu da cam
Diễn biến vụ kiện của nạn nhân chất độc màu da cam

>>> Xem thêm: Hộp Đen Máy Bay Là Gì? Tại Sao Khi Xảy Ra Tai Nạn Máy Bay Người Ta lại Tìm Đến Hộp Đen Đầu Tiên

Chất độc da cam

            Chất độc da cam là tên gọi của một loại chất diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này không có màu và được chứa trong các thùng màu da cam (do vậy trong vụ kiện hậu quả của nó được gọi nhầm là chất độc màu da cam).

            Chất này đã được Hoa Kỳ sử dụng quy mô lớn trong những năm từ 1961 đến 1971, khiến nhiều vùng ở Việt Nam bị nhiễm độc nghiêm trọng. Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân Việt Nam đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.

            Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ kiện lên Tòa án Mỹ liên quan đến tác hại của chất độc màu da cam và hậu quả nó để lại sau chiến tranh Việt Nam. Song, Chính phủ Mỹ đã sử dụng điều luật miễn trừ trách nhiệm, cho phép chính phủ không thể bị kiện, ngay cả trong trường hợp cáo buộc sơ suất. Do đó, các vụ kiện bắt đầu chuyển hướng cáo buộc các công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc màu da cam cho quân đội Mỹ, phạm tội ác chiến tranh và đòi bồi thường. 

Diễn biến vụ kiện

Kết quả vụ kiện chất độc màu da cam
Kết quả vụ kiện chất độc màu da cam

            Ngày 31/01/2014, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã kiện 37 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất chất độc da cam lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ đã bị nêu tên trong vụ kiện cùng các công ty khác. Trước đây nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã thắng một vụ kiện tương tự.

            Hội nghị tiền xét xử lần đầu tiên đã diễn ra vào ngày 18/03/2004. Hội nghị tiền xét xử thứ hai diễn ra vào ngày 18/06/2004. Ngày 13/09/2004, các luật sư của nguyên đơn đã trình Tòa sơ thẩm đơn kiện sửa đổi. Bên bị đơn đã trình Tòa án sơ thẩm bản tranh tụng của mình (đợt 1) vào ngày 03/11/2004, bản tranh tụng thứ 2 được trình ngày 18/01/2005. Ngày 28/02/2005, hai bên bắt đầu tranh tụng tại Tòa sơ thẩm.

            Ngày 10/03/2005, quan tòa Jack Weinstein thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng chất độc da cam đã không được xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra độc tố đối với đời sống của con người và môi trường họ sống; và rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố, không phải là một bị cáo trong đơn kiện. Jack Weinstein cho rằng: “Đơn kiện của phía nguyên đơn không dựa trên bất cứ cơ sở nào của luật nội địa của một bang, một quốc gia hay dưới bất cứ hình thức gì của luật quốc tế”. Ông cũng cho rằng nguyên đơn Việt Nam đã không chứng minh được chính chất độc da cam đã gây ra các loại bệnh tật như liệt kê trong đơn kiện của họ, vì cho đến thời điểm đệ đơn kiện, họ vẫn thiếu các nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của chất làm phát quang cây cối có tác động xấu đối với sức khỏe con người.

            Ngày 07/04/2005, Đoàn Luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam nộp đơn yêu cầu Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York xét xử lại và phủ quyết phán quyết trước đây của chánh án Jack Weinstein. Dự kiến Tòa Phúc thẩm sẽ cho ý kiến có mở phiên xử phúc thẩm hay không vào mùa thu 2006. Ngày 22/02/2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Tòa này đã y án sơ thẩm.

            Dư luận quốc tế có nhiều ý kiến phê phán phán quyết này của Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Ngày 18/03/2008, Đoàn Luật sư Hoa Kỳ và Hội Luật gia Dân chủ quốc tế gồm 10 người đã đến Việt Nam để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong vụ kiện sắp tới lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

            Ngày 06/10/2008, nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ nhưng đã bị tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn vào ngày 02/03/2009. Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho là “Việc tòa án Mỹ từ chối lời thỉnh cầu của các nạn nhân Việt Nam là đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự công minh của pháp luật và tinh thần yêu chuộng công lý, tôn trọng nhân quyền của nhân dân Mỹ”. Theo luật sư Lưu Văn Đạt, người theo vụ kiện từ đầu cho biết, lý do Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là theo luật pháp Mỹ, khi một vụ án được gửi đến Tòa phúc thẩm thì nhất định phải được xem xét giải quyết. Nhưng cùng vụ việc đó nếu được gửi lên tòa án Tối cao thì không nhất định phải đưa ra xét xử.

Kết quả vụ kiện

            Vụ kiện đã qua hai phiên tòa. Tòa sơ thẩm ở Tòa án liên bang tại quận Brooklyn và tòa phúc thẩm ở Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York đều bác đơn kiện của nguyên đơn với lý do chính: bên nguyên đơn chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin, không có căn cứ pháp luật quốc tế, các công ty hóa chất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ nhưng chính phủ Mỹ lại có quyền miễn tố. Do đó, ngày 02/03/2009 Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.

            Tuy nhiên vào tháng 05/2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã phân bổ khoản ngân sách 3 triệu USD nhằm khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam và môi trường tại một số điểm nóng nhất và năm 2009 tăng lên 6 triệu USD. Tính đến ngày 01/01/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi 173 triệu USD tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam.

            Chiến tranh đã đi xa, nhưng hậu quả mà nó để lại còn hết sức nặng nề, đặc biệt là với những nạn nhân, những gia đình có người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân này vẫn đang diễn ra với sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế.

            Trên đây là bài viết về vấn đề “Vụ kiện hậu quả chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam”.

>>>Xem thêm: Bắt Cóc Trẻ Em Và Hệ Lụy Từ “Sự Nguy Hiểm Của Đám Đông”

Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật: Luật sư Phan Mạnh Thăng, hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.55 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết