Luật Dân sự

Uy Tín, Danh Dự Được Pháp Luật Định Giá Bao Nhiêu ?

Uy tín, danh dự được pháp luật định giá bao nhiêu? Danh dự, uy tín là yếu tố mà con người luôn đặt trên hàng đầu. Khi bị xúc phạm, bị người khác làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín thì cá nhân phải xử lý như thế nào? Liệu rằng pháp luật có cơ chế nào để bảo vệ? Khi bị xâm phạm thì uy tín, danh dự được pháp luật định giá bao nhiêu? Mời Quý độc giả đến với bài viết sau đây của chúng tôi.

Danh dự, uy tín đáng giá bao nhiêu?
Danh dự, uy tín đáng giá bao nhiêu?

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm phạm

Căn cứ Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì khi uy tín, danh dự bị xâm phạm sẽ được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền mặt, hiện vật hay thực hiện một công việc; phương thức bồi thường trả tiền một lần hay nhiều lần. Ngoài ra, để thiệt hại được bồi thường kịp thời, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

Giá trị bồi thường thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm phạm

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và mục 3 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì giá trị bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút;
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do uy tín, danh dự bị xâm phạm: mức bồi thường khoản tiền này trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức bồi thường phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần (căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…), nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Tài liệu, chứng cứ chứng minh có thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm phạm

Để chứng minh có thiệt hại xảy ra khi uy tín, danh dự bị xâm phạm để được bồi thường thiệt hại cần thu thập, cung cấp những tài liệu, chứng cứ sau:

  • Đối với việc chứng minh có các chi phí hợp lý mà bên bị xâm phạm đã bỏ ra để hạn chế, khắc phục thiệt hại: cần đưa ra những tài liệu, giấy tờ, chứng cứ chứng minh các chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín mà bên bị xâm phạm đã bỏ ra cũng như chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
  • Đối với việc chứng minh có việc sụt giảm về thu nhập: người bị xâm phạm cần đưa ra những chứng cứ chứng minh việc trước khi danh dự, uy tín bị xâm phạm, họ có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, uy tín bị xâm phạm, ảnh hưởng đến gia đình, công việc, các mối quan hệ trong xã hội nên đã phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Do đó, khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm phạm

Khi bị xâm phạm về danh dự, uy tín, cá nhân hay tổ chức có thể khởi kiện dân sự hoặc tố cáo hình sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như yêu cầu được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Bồi thường khi bị xâm phạm danh dự, uy tín
Đòi bồi thường khi bị xâm phạm danh dự, uy tín

Đối với thủ tục kiện dân sự:

  • Căn cứ khởi kiện: Khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quy định khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên: theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (người xúc phạm danh dự, uy tín của chủ thể kiện) có nơi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Quá trình giải quyết tranh chấp dân sự trải qua các bước:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày từ ngày nhận đơn, Chánh án phân công Thẩm phán xem xét đơn. Trong vòng 05 ngày từ ngày Thẩm phán được phân công xem xét đơn kiện, Tòa án ra một trong các quyết định thụ lý vụ tranh chấp, chuyển đơn khởi kiện hoặc trả lại đơn kiện. Đồng thời đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn.

Bước 3: Trường hợp Tòa án thụ lý, Tòa tiến hành thủ tục hòa giải. Trường hợp hòa giải thành công, Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ngược lại.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, Thẩm phán đưa ra một trong các quyết định công nhận thỏa thuận của hai bên, tạm đình chỉ, đình chỉ hay đưa tranh chấp ra giải quyết.

Bước 5: Mở phiên tòa xét xử và giải quyết tranh chấp cũng như đưa ra mức bồi thường thiệt hại cho chủ thể bị xâm phạm uy tính, danh dự.

Đối với thủ tục tố cáo hình sự:

Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự, uy tín nghiêm trọng, đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể bị xâm phạm có thể tố cáo người có hành vi này với tội danh Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với Công an cấp huyện nơi chủ thể có nơi cư trú, làm việc. Ngoài việc tố cáo với tội danh trên, người bị xâm phạm còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự bị xâm phạm
Tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự bị xâm phạm

Quá trình giải quyết vụ án hình sự trải qua các giai đoạn:

Bước 1: Khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin tố giác về tội phạm và kết thúc khi đưa ra quyết định giải quyết vụ án hình sự.

Bước 2: Điều tra vụ án hình sự. Cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như thiệt hại do tội phạm gây ra. Kết thúc giai đoạn này, Cơ quan điều tra đưa ra bản kết luận điều tra cũng như đề nghị truy tố nếu đủ chứng cứ.

Bước 3: Mở phiên tòa xét xử về tội phạm cũng như hành vi phạm tội, xem xét các yêu cầu về bồi thường thiệt hại và Hội đồng xét xử đưa ra bản án cuối cùng.

Tóm lại, dù người bị xúc phạm danh dự, uy tín chọn con đường tố tụng hình sự hay dân sự thì quyền, lợi ích của họ vẫn được bảo đảm, được bồi thường thiệt hại xứng đáng cho những gì họ đã phải trải qua khi danh dự, uy tín của mình bị xâm phạm.

Không có một quy định cụ thể nào về “Uy tín, danh dự được pháp luật định giá bao nhiêu”. Tùy theo mức độ cũng như hậu quả, mong muốn, tinh thần, sức khỏe của người bị hại mà hành vi này mang lại, từ đó có cơ sở để xác định mức bồi thường. Trong trường hợp quý khách hàng có thắc mắc hay cần tư vấn, đừng ngần ngại hãy liên hệ với Luật sư Dân Sự qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

4.9 (14 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết