Luật Sở Hữu Trí Tuệ

Phát hiện nhãn hiệu đối thủ có khả năng gây nhầm lẫn cần làm gì?

Nhãn hiệu của doanh nghiệp là một trong những dấu hiệu quan trọng để giúp nhận diện thương hiệu trong làm ăn, kinh doanh. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định rất rõ ràng về các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu của các cá nhân, tổ chức. Vậy khi phát hiện nhãn hiệu đối thủ có khả năng gây nhầm lẫn cần làm gì? Cùng tìm hiểu nhé!

`

Khi phát hiện nhãn hiệu đối thủ có khả năng gây nhầm lẫn cần làm gì?

Quy định của pháp luật về nhãn hiệu gây nhầm lẫn

Tại khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2020) – Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Cụ thể là các hành vi:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Đánh giá dấu hiệu gây tương tự đến mức gây nhầm lẫn của nhãn hiệu

Phát âm

Việc bị coi là trùng hay tương tự đến mức nhầm lẫn từ cách phát âm khiến cho người dùng bị nhầm lẫn rằng hai thương hiệu đó là một hoặc thương hiệu này là biến thể của thương hiệu kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc. Trường hợp dấu hiệu có cách viết khác nhau nhưng lại có phát âm giống nhau thì vẫn gây ra sự nhầm lẫn tương tự.

Cấu trúc

Sự tương tự về cấu trúc tên thương hiệu được thể hiện dưới hình thức tên thương hiệu bị trùng nhiều chữ cái, cách sắp xếp giống nhau nên cách đọc tên thương hiệu cũng giống nhau. Ví dụ: Tocotoco với Tocotozo, Lolipop và Lollipop.

Hình ảnh nhãn hiệu gây nhầm lẫn về cấu trúc

Ý nghĩa

Ý nghĩa của tên thương hiệu bị xem là trùng nếu dấu hiệu đó gần giống với dấu hiệu đối chứng về mặt ý nghĩa, nội dung làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hai thương hiệu đó là một. Ví dụ như: cùng sử dụng hình ảnh mặt trời mọc có các tia nắng bao xung quanh. Hoặc dấu hiệu chữ cũng có thể tương tự với một dấu hiệu hình nếu chúng giống nhau về ý nghĩa vụ thể với điều kiện là các sản phẩm mang nhãn hiệu hoàn toàn trùng nhau. Ví dụ như tên nhãn hiệu là: CON VOI và ELEPHANT.

Ấn tượng tổng thể

Dấu hiệu hình và dấu hiệu chữ được xem là bị trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn về mặt ấn tượng tổng thể khi toàn bộ hoặc phần chủ yếu của dấu hiệu và toàn bộ hoặc phần chủ yếu của đối chứng được trình bày theo cùng một phong cách, trong đó, màu sắc của đối chứng/dấu hiệu được coi là một yếu tố của phong cách trình bày.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm

Những khả năng gây nhầm lẫn khác của nhãn hiệu

Nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ

Dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, dịch vụ trong các trường hợp sau đây (điểm a khoản 12 Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN):

  •  Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương) hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá; dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh, nếu dấu hiệu yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
  • Dấu hiệu là từ ngữ trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có tên thương mại nói trên sản xuất, thực hiện; dấu hiệu là hình ảnh trùng hoặc tương tự với biểu tượng thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có biểu tượng thương mại nói trên sản xuất, thực hiện;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình tượng đặc trưng của tác phẩm đã biết đến một cách rộng rãi, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện;
  • Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

Khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của nhãn hiệu

Nhầm lẫn hoặc hiểu sai về bản chất, giá trị

Trong các trường hợp sau đây, dấu hiệu bị coi là có khả năng gây nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về bản chất, giá trị của hàng hoá, dịch vụ ((điểm b khoản 12 Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN):

  • Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu… gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó;
  • Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hoá, dịch vụ như mô tả hàng hoá, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hoá, dịch vụ được mô tả.

Biện pháp xử lý những hành vi gây tương tự, nhầm lẫn về nhãn hiệu

Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền (Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2005 được sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023):

  • Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, Tòa án có thể buộc tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác phải gánh chịu biện pháp:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân xâm phạm còn có thể bị  xử phạt hành chính và truy cứu hình sự

Căn cứ: Điều 202, 211 và 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, 2009, 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023)

> Xem thêm: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu Logo

Trên đây là những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề sở hữu nhãn hiệu, giúp bạn giải đáp thắc mắc “Phát hiện nhãn hiệu đối thủ có khả năng gây nhầm lẫn cần làm gì?”. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp trực tiếp, quý khách vui lòng liên hệ  TƯ VẤN LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ của Công ty Luật Long Phan PMT thông qua Hotline 1900.63.63.87. Xin cảm ơn!

4.5 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết