Luật Hành Chính

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật viên chức

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật viên chức được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Luật Viên chức cũng như các văn bản hiện hành đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật viên chức. Việc xử lý kỷ luật viên chức xảy ra khi viên chức vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà viên chức sẽ bị xử lý bằng các hình thức xử lý kỷ luật khác nhau. Sau đây những nội dung cơ bản về vấn đề trên.

Viên chức có bị xử lý kỷ luật

Viên chức theo Luật Viên chức

Theo Điều 2 của Luật Viên chức năm 2010 thì công chức được hiểu là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, điều kiện để được xem là viên chức bao gồm:

  • Phải là công dân Việt Nam;
  • Phải được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng;
  • Hưởng lương từ nguồn quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Các hành vi viên chức bị xử lý kỷ luật

Xử lý kỷ luật viên chứcXử lý kỷ luật viên chức

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì viên chức thực hiện các hành vi sau đây sẽ bị xử lý kỷ luật:

  • Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
  • Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Các trường hợp sau đây thì viên chức chưa bị xem xét xử lý kỷ luật theo Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

  • Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
  • Đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
  • Là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
  • Bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, viên chức có thể được miễn trách nhiệm kỷ luật theo Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP trong các trường hợp:

  • Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.
  • Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.
  • Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

Trình tự, thủ tục kỷ luật viên chức

Thủ tục xử lý kỷ luật công chứcThủ tục xử lý kỷ luật công chức

>>> Xem thêm: Quyết định kỷ luật viên chức có thể bị khởi kiện hay không?

 Thẩm quyền

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định cụ thể tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP bao gồm:

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đối với trường hợp viên chức quản lý.
  • Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử.
  • Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức được cử đến biệt phái đối với trường hợp viên chức biệt phái.
  • Cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ nơi viên chức công tác đối với trường hợp viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm luật và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý viên chức thực hiện việc xử lý kỷ luật.
  • Thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của cơ quan quản lý viên chức đối với viên chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

Cơ sở pháp lý: Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Hình thức kỷ luật viên chức

Hiện nay, theo quy định tại Điều 52 Luật Viên chức năm 2010 thì tùy vào mức độ cũng như tính chất của hành vi vi phạm trong quá trình làm việc, công tác và thực hiện nhiệm vụ mà viên chức có thể bị xử lý kỷ luật bởi các hình thức sau:

  • Khiển trách
  • Cảnh cáo
  • Cách chức
  • Buộc thôi việc.

Ngoài các hình thức kỷ luật kể trên, viên chức còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan trong một số trường hợp nhất định.

 Trình tự xử lý kỷ luật viên chức

Theo Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện theo các bước sau:

  • Tổ chức họp kiểm điểm;
  • Thành lập Hội đồng kỷ luật;
  • Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này thì không thực hiện khoản 1 Điều này.
Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm viên chức:

  • Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp, thông báo hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thông báo các nội dung: tóm tắt về quá trình công tác; hành vi vi phạm; các hình thức xử lý đã ban hành (nếu có); thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi vi phạm; thời hiệu và thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật;
  • Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật nếu không làm bảng kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành, trường hợp người này vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm được tiến hành sau 02 lần gửi thông báo triệu tập họp;
  • Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu ý kiến.
  • Người chủ trì cuộc họp kết luận (Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản).

Cơ sở pháp lý: Điều 33 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật viên chức

  • Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý và đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức không có đơn vị cấu thành, Hội đồng kỷ luật có 03 thành viên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, 01 Ủy viên Hội đồng và 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.
  • Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý và đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có đơn vị cấu thành, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, 03 Ủy viên Hội đồng và 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.
  • Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, 03 Ủy viên Hội đồng và 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.

Cơ sở pháp lý: Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Bước 3: Cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật.

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc văn bản đề xuất của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận viên chức không vi phạm.
  • Trường hợp vi phạm của viên chức có tình tiết phức tạp thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cơ sở pháp lý: Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Luật sư tư vấn về giải quyết xử lý kỷ luật viên chức

  • Luật sư tư vấn các hình thức xử lý kỷ luật;
  • Luật sư hỗ trợ cách soạn thảo bảng kiểm điểm;
  • Các vấn đề có liên quan khác.
  • Luật sư tư vấn khiếu nại, khởi kiện hành chính khi có dấu hiệu vi phạm về việc xử lý viên chức

Như vậy, viên chức khi vi phạm vẫn bị xử lý. Trên đây là phần trình về trình tự, thủ tục kỷ luật viên chức. Nếu có vấn đề gì cần làm rõ hơn về vấn đề trên hay cần tư vấn pháp luật thì vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh nhất.

4.6 (17 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết