Luật Thừa Kế

Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Di Sản Thừa Kế

1. Tranh chấp di sản thừa kế là gì?

Theo Bộ luật dân sự 2015 quy định khái niệm về di sản tại Điều 612 thì: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Tranh chấp về thừa kế là trường hợp phân chia sản nảy sinh mâu thuẫn giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản dẫn đến tranh chấp. Người thừa kế ở đây là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điều 613 BLDS 2015).

Cái nhìn tổng quan về thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Cái nhìn tổng quan về thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Theo quy định của pháp luật, tranh chấp di sản thừa kế bao gồm tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế (theo di chúc hoặc pháp luật), xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Nếu yêu cầu của nguyên đơn là tranh chấp về bất động sản thì theo khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết tại địa bàn huyện có nhà đất của người để lại thừa kế; nếu di sản là bất động sản không nằm trên địa bàn huyện thì Tòa án nhân dân huyện không có thẩm quyền giải quyết.

Nếu yêu cầu của nguyên đơn không phải là tranh chấp về bất động sản thì theo khoản 5 Điều 26 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc về Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.

Trong trường hợp tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

3. Quy trình thực hiện

Người có yêu cầu giải quyết tranh chấp nộp hồ sơ khởi kiện kèm theo giấy tờ chứng minh yêu cầu của mình đến tòa án có thẩm quyền như đã phân tích ở tiểu mục 2.

quy trình để tiến hành giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Quy trình để tiến hành giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Thành phần hồ sơ khởi kiện thừa kế theo pháp luật bao gồm:

  • Đơn khởi kiện (theo mẫu);
  • Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
  • Bản kê khai các di sản;
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
  • Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có).

Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày (Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng đối với tranh chấp di sản thừa kế. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

4. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về di sản thừa kế

Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu về thừa kế thì:

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

– Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.8 (17 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Thạc Sĩ Luật Sư Võ Mộng Thu
Avatar

Chức vụ: Luật Sư Thành Viên

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hành Chính, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự

Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA

Số năm kinh nghiệm thực tế: 09 năm

Tổng số bài viết: 643 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!