Luật Doanh Nghiệp

Giải Quyết Tranh Chấp Tên Doanh Nghiệp

Tên doanh nghiệp bị đặt trùng gây nhầm lẫn hoặc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không phải chuyện hiếm. Bên cạnh việc vô ý thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp cố ý sử dụng chiêu thức này như một phương pháp nhằm quảng bá tên tuổi, tạo sự chú ý… do đó nhiều mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp bắt đầu phát sinh. Nắm bắt được điều đó nên chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một số vấn đề xoay quanh việc giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp.

Vấn đề giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp theo quy định
Vấn đề giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp theo quy định

Trường hợp nào tên doanh nghiệp bị coi là vi phạm?

Tên doanh nghiệp vi phạm là tên trùng, gây nhầm lẫn, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và các quy định khác của pháp luật Doanh nghiệp và pháp luật Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký; tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký thuộc các trường hợp sau:

  • Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_” (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)

Cơ chế giải quyết tranh chấp

  • Các bên tự thương lượng, hòa giải để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, các bên có thể yêu cầu cơ quan trung gian có chức năng hòa giải để thực hiện thủ tục hòa giải; 
  • Giải quyết bằng con đường trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010; 
  • Giải quyết bằng con đường khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Căn cứ Điều 30, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019) thì tranh chấp tên doanh nghiệp được xác định la tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại của cá nhân, tổ chức. Do đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp
Cơ chế giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp
Cơ chế giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp

 

Thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp

Trước hết phải xác định thẩm quyền theo loại việc, đây là tranh chấp về kinh doanh, thương mại bởi là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở. Trường hợp vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Hồ sơ cần thiết:

  • Đơn khởi kiện (bấm vào để tải Mẫu số 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
  • Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế;
  • Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có);
  • Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: Cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có);
  • Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng, các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: Giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.
  • Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);
  • Biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ cho người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án (nếu có) theo mẫu số 01-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP; trong trường hợp không thể giao nhận trực tiếp thì có thể gửi tài liệu, chứng cứ qua đường bưu điện nhưng phải lập thành phiếu gửi và có xác nhận của bưu điện đã gửi;
  • Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh thương mại được Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định là là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài. Đối với vụ án kinh doanh thương mại có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn giải quyết vụ án nhưng không quá 01 tháng. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn giải quyết vụ án được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Giải pháp nào cho vấn đề tranh chấp tên doanh nghiệp?

Tháo gỡ các vướng mắc về tranh chấp tên doanh nghiệp
Tháo gỡ các vướng mắc về tranh chấp tên doanh nghiệp

Để giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp, cần có cả những giải pháp pháp lý đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước và giải pháp khắc phục chủ động của doanh nghiệp trước khi xảy ra hậu quả không mong muốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thống kê chính xác tại từng tỉnh, thành phố và trên toàn quốc số lượng doanh nghiệp trùng tên. Trên cơ sở đó, căn cứ vào ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trùng tên hoàn toàn để buộc doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên trên phạm vi toàn quốc.

Tuy đây là biện pháp chế tài nhưng có lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bị trùng một phần sẽ khuyến cáo (có điều kiện) các doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên nếu tên đó không phù hợp với nguyên tắc đặt tên (chỉ gồm ba tiêu chí rõ ràng: loại hình, tên riêng và chỉ một ngành nghề chính).Trong cả hai trường hợp trên, nếu doanh nghiệp không tự đổi tên, Nhà nước sẽ buộc doanh nghiệp đổi tên linh hoạt, có thể là gắn với địa danh huyện, thậm chí xã (nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) nếu vẫn trùng; hoặc phải đăng ký thêm số thứ tự vào sau công ty.

Về phía Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể cho việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cần cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong cả nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác.

Theo đó, doanh nghiệp được cấp tên theo nguyên tắc cụ thể, thống nhất, theo một quy chuẩn chỉ gồm ba tiêu chí: loại hình, tên riêng và một ngành nghề chính để phân biệt tên trùng và gây nhầm lẫn. Hệ thống này cũng phải xác định được các điểm giao thoa đồng nhất với hệ thống tiêu chí của Cục Sở hữu Trí tuệ khi xét cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và điều kiện bảo hộ “tên thương mại”.

Hệ thống dữ liệu này sẽ là cơ sở cho các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tham chiếu, tra cứu trước khi cấp nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị trùng tên và lĩnh vực hoạt động. Đồng thời nó còn là cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất và đầy đủ.

Trên đây là những tư vấn về “Giải quyết tranh chấp tên doanh nghiệp”, chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể tham khảo để nắm rõ hơn nếu gặp phải những tranh chấp ở vấn đề này. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ với Chuyên Tư Vấn Luật qua qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn tốt nhất. Xin cảm ơn!

 

4.8 (15 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết