Luật Đất Đai

Tranh chấp ranh giới đất đai

Để xác định có bị lấn đất hay có tranh chấp ranh giới đất đai hay không thì cần phải dựa vào ranh giới thửa đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, các tranh chấp ranh giới đất diễn ra rất phổ biến và mức độ phức tạp ngày càng tăng lên. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức đang có tranh chấp ranh giới đất. Dưới đây là bài viết hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai.

Quy định về giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai

Ranh giới đất đai được xác định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật dân sự 2015, thì:

  • Ranh giới đất đai được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới đất cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
  • Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
  • Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
  • Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp 

Trình tự giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai được trải qua các bước như sau:

Hòa giải giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai

Thứ nhất, hòa giải

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp ranh giới đất theo hướng tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Kết quả hòa giải khi giải quyết tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản.

Thứ hai, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp ranh giới đất tại Tòa án

Việc giải quyết tranh chấp ranh giới đất tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có tranh chấp ranh giới đất mà hòa giải tại cấp xã không thành thì có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền.

Bước 1: Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án.

Bước 2: Tòa án đã thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành.

Bước 3: Đưa vụ án ra xét xử. Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục xét xử sơ thẩm ra bản án hoặc quyết định.

Nếu không đồng ý các bên vẫn có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

Nội dung đơn khởi kiện

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai bắt buộc phải có các nội dung sau:

Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp ranh giới đất
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm là các tài liệu sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp đối với thửa đất bị lấn chiếm;
  • Biên bản hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã;
  • Văn bản đo đạc, xác minh về việc thửa đất bị lấn chiếm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
  • Trích lục hồ sơ địa chính đối với thửa đất có tranh chấp;
  • Ngoài ra Tòa án có thể yêu cầu bổ sung thêm các loại tài liệu, chứng cứ liên quan khác.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp luật về tranh chấp đất đai liên quan đến vấn đề “Tranh chấp ranh giới đất đai”. Các cá nhân, tổ chức đang có tranh chấp đất đai xin vui lòng liên hệ Thạc sĩ Luật sư Phan Mạnh Thăng theo số hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tốt nhất.

4.6 (18 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết