Luật Doanh Nghiệp

Trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được đặt ra khi bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa của mình. Nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp là nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng mua bán, cụ thể bên bán giao hàng đúng với tiêu chuẩn đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật cùng với đó là trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được đặt ra. Vậy trường hợp bên bán giao hàng vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào.

Trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo LTM?

Pháp luật vẫn ưu tiên sự thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng, vậy nên các bên có quyền thỏa thuận với nhau về căn cứ xác định hàng hóa phù hợp với hợp đồng, ví dụ như về số lượng, chất lượng, mô tả, cách đóng gói hàng hóa,… Trường hợp giữa các bên có sự thỏa thuận, thì hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là hàng hóa không đảm bảo các đặc tính được ghi nhận trong hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận thì căn cứ vào quy định pháp luật về hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;
  • Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
  • Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;
  • Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

Cơ sở pháp lý: Điều 39 Luật Thương mại 2005.

Quyền và trách nhiệm của các bên đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Quyền và trách nhiệm bên bán hàng hóa

Theo pháp luật hiện hành, quyền và nghĩa vụ của bên bán hàng hóa được quy định như sau:

  • Bên bán phải giao hàng phù hợp với hợp đồng cùng các chứng từ liên quan đến hàng hóa đã thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
  • Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán và phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.
  • Nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá. Trừ trường hợp trên, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
  • Trách nhiệm khắc phục giao hàng hóa không phù hợp theo quy định tại Điều 41 Luật Thương mại 2005.

Do đó, nếu bên mua đã biết và chấp nhận những khuyết điểm của hàng hóa đó mà không có ý kiến hay thông báo với bên bán, thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm.

Cơ sở pháp lý: Điều 40 Luật Thương mại 2005

Quyền và trách nhiệm đối với bên mua

Trường hợp bên bán vi phạm về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo khoản 1, điều 39, Luật Thương mại 2005 thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng hóa đó theo khoản 2, điều 39, Luật Thương mại 2005.

  • Hợp đồng mua bán là hợp đồng song vụ nên khi bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa đúng thời hạn, địa điểm giao hàng và số lượng hàng hóa và chất lượng hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa đã giao kết thì đồng nghĩa việc bên mua có nghĩa vụ nhận hàng nếu bên bán thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên. Tuy vậy, trong trường hợp, bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng trong trường hợp giao hàng hóa không phù hợp.
  • Bên cạnh việc từ chối nhận hàng thì bên mua còn có quyền buộc bên bán thực hiện hợp đồng, phạt vi phạm, tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bên bán bồi thường nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng phát sinh thiệt hại cho bên mua.
  • Tuy vậy, pháp luật vẫn đặt ra nghĩa vụ thông báo cho bên mua, cụ thể nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cơ sở pháp lý: Điều 39 Luật Thương mại 2005.

Khắc phục về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Khắc phục về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Vấn đề khắc phục về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

  • Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.
  • Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

Cơ sở pháp lý: Điều 41 Luật Thương mại 2005.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Thương lượng

Các bên tự thương lượng, cùng nhau giải quyết với nhau để giải quyết những khúc mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mà không cần đến sự can thiệp, hỗ trợ từ bên thứ ba. Đây là phương thức luôn được Nhà nước khuyến khích sử dụng vì biện pháp ít tốn kém chi phí, không bị ràng buộc bởi thủ tục pháp lý cũng như bảo mật thông tin kinh doanh một cách tuyệt đối.

Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 317 Luật Thương mại 2005.

Hòa giải

Trong trường hợp không thể tự thương lượng, giải quyết mâu thuẫn thì có thể tiến hành hòa giải tại cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian, hòa giải hỗ trợ, trợ giúp để đi đến kết quả cuối cùng.

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Cơ sở pháp lý: khoản 2, Điều 317 Luật Thương mại 2005 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 24/02/2017.

Khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài thương mại

Trong trường hợp thương lượng hoặc hòa giải không thể giải quyết được tranh chấp giữa các bên thì Trọng tài thương mại hoặc Tòa án sẽ là hai biện pháp có thể được sử dụng. Cụ thể:

  • Trọng tài thương mại: được lựa chọn khi các bên có thỏa thuận trọng tài; tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại; hoặc có ít nhất một bên hoạt động thương mại được quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010. Và thỏa thuận trọng tài không thuộc các trường hợp vô hiệu theo Điều 18 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
  • Trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc có nhưng thỏa thuận này vô hiệu thì Tòa án sẽ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp về kinh doanh, thương tại được quy định tại Điều 26 và Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cơ sở pháp lý: Khoản 3, Điều 317 Luật Thương mại 2005.

Tư vấn trường hợp vi phạm hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Tư vấn trường hợp vi phạm hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

  • Tư vấn quy định pháp luật về trách nhiệm hàng hóa không phù hợp;
  • Giải thích điều khoản trong hợp đồng gây tranh chấp giữa các bên;
  • Tư vấn cách giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể mà khách hàng gặp phải;
  • Tư vấn soạn thảo đơn từ liên quan đến việc khởi kiện;
  • Hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp;
  • Tư vấn các vấn đề khác liên quan theo yêu cầu khách hàng.

Luật Thương mại đã quy định trách nhiệm giao hàng hóa của bên bán phải phù hợp với hợp đồng đã giao kết. Tuy vậy, một số trường hợp, bên bán hàng lại có hành vi vi phạm nghĩa vụ trên. Bài viết đã cung cấp những căn cứ pháp lý xoay quanh vấn đề này. Nếu có thắc mắc gì thêm cũng như có nhu cầu được Luật sư tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư tư vấn Luật Hợp Đồng qua số HOTLINE 1900.63.63.87.

4.6 (20 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết