Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong lúc vận chuyển là vấn đề được quý bạn đọc thắc mắc, quan tâm khi trong quá trình vận chuyển xảy ra thiệt hại đối với hàng hóa. Để giải quyết vấn đề trên, Luật sư tới từ Chuyên Tư Vấn Luật xin gửi đến bài viết về hợp đồng vận chuyển hàng hóa, quyền, nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong lúc vận chuyển và các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề trên.
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển
Mục Lục
- Hợp đồng vận chuyển theo quy định pháp luật
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển
- Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra thiệt hại về tài sản trong lúc vận chuyển
- Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển
- Có trường hợp nào bên vận chuyển được miễn trách bồi thường không
- Luật sư tư vấn về hợp đồng vận chuyển
Hợp đồng vận chuyển theo quy định pháp luật
Theo quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Trong hợp đồng vận chuyển, Mức cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.
Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên canh đó, pháp luật dân sự cũng quy định về hình thức của hợp đồng vận chuyển, Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Cơ sở pháp lý: Điều 530, Điều 531, 533 Bộ luật Dân sự 2015.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển
Bên vận chuyển
Quyền của bên vận chuyển tại Điều 535 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, trong hợp đồng vận chuyển, bên vận chuyển có quyền:
- Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác;
- Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng;
- Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn;
- Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.
Bên cạnh đó, Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển:
- Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn;
- Giao tài sản cho người có quyền nhận;
- Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;
- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên thuê vận chuyển
Đối với bên thuê vận chuyển, các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định như sau:
Thứ nhất: về quyền:
Theo quy định tại Điều 537 Bộ luật Dân sự 2015, bên thuê vận chuyển có quyền:
- Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận;
- Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.
Thứ hai: về nghĩa vụ:
Nghĩa vụ của bên vận chuyển được quy định tại Điều 536 Bộ luật Dân sự 2015:
- Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận;
- Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển;
- Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.
>>>Xem thêm: Tư vấn khởi kiện khi đối tác không thanh toán phí vận chuyển
Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra thiệt hại về tài sản trong lúc vận chuyển
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản được quy định tại Điều 541 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
- Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
>>>Xem thêm: Chuyển giao rủi ro về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển
Thẩm quyền giải quyết
Tranh chấp hợp đồng vận chuyển được xác định là tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo quy định tại Điều 35, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp trên thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện. Trừ các trường hợp như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Dân cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ được xác định như sau: Nếu không có sự thỏa thuận giữa các đương sự rằng Tòa án giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Hồ sơ
Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển bao gồm:
- Đơn khởi kiện: Theo Mẫu số 23 – Phụ lục kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ- HĐTP ban hành ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
- Tài liệu, chứng cứ: Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn cần nộp cung cấp tới Tòa án là: Căn cước công dân; hợp đồng vận chuyển; Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác; video liên quan đến việc vận chuyển, kiểm tra hàng hóa…
Cơ sở pháp lý: Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trình tự, thủ tục giải quyết
Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Cơ sở pháp lý: Điều 191, Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Có trường hợp nào bên vận chuyển được miễn trách bồi thường không
Theo quy định của pháp luật hiện hành, vẫn tồn tại một số trường hợp bên vận chuyển được miễn bồi thường thiệt hại. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: theo quy định tại khoản 5 Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015, Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Nếu trong hợp đồng vận chuyển, các bên có thỏa thuận bên vận chuyển không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quá trình vận chuyển, thì khi xảy ra thiệt hại, bên vận chuyển không có nghĩa vụ phải bồi thường
Thứ hai: khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng, Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
Ví dụ, trường hợp hàng hóa được vận chuyển trên biển bằng tàu thủy. Bên vận chuyển đã thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết và bắt đầu giao hàng vào thời điểm thuận lợi cho việc giao hàng. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, thời tiết, tình hình biển bất ngờ trở xấu. Đồng thời, bên vận chuyển đã tìm mọi biện pháp cần thiết cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thực hiện giao hàng đúng với thỏa thuận giữa các bên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp nêu trên là sự kiện bất khả kháng. Qua đó, theo khoản 3 Điều 541 Bộ luật Dân sự 2015, bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại đối với sự kiện bất khả kháng.
Luật sư tư vấn về hợp đồng vận chuyển
Luật sư hợp đồng vận chuyển
- Tư vấn quy định của pháp luật về hợp đồng vận chuyển.
- Tư vấn soạn thảo hợp đồng vận chuyển.
- Tư vấn, giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
- Hướng dẫn soạn thảo văn bản, đơn khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Quý khách hàng.
- Trực tiếp tham gia giải quyết với tư cách người đại diện ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
- Tư vấn, hướng dẫn thân chủ những hướng giải quyết tranh chấp tốt nhất.
Như vậy, bài viết trên đã trình bày các quy định của pháp luật về vấn đề Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong lúc vận chuyển và các quy định của pháp luật có liên quan. Qua đó, Quý khách hàng có thể hiểu những quy định về hợp đồng vận chuyển. Cùng với đó là một số trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường. Nếu quý khách hàng còn thắc mắc, muốn đặt câu hỏi liên quan hoặc muốn tư vấn pháp luật hợp đồng, xin vui lòng liên hệ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn chi tiết từ Luật sư Hợp đồng của chúng tôi.