Luật Hình Sự

Tố cáo lừa đảo qua mạng ở đâu? Tư vấn hồ sơ tố cáo

Tố cáo lừa đảo qua mạng ở đâu và làm gì khi bị lừa trên mạng là câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra, đặc biệt trong môi trường công nghệ ngày càng phát triển hiện nay đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng dưới nhiều hình thức tinh vi, khó phòng ngừa hơn. Để giúp Quý bạn đọc có cái nhìn cụ thể về vấn đề này, Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp đến Quý bạn đọc những thông tin hữu ích và một số khuyến cáo thông qua bài viết dưới đây.

Lừa đảo qua mạng

Lừa đảo qua mạng

Lừa đảo qua mạng là gì?

Lừa đảo qua mạng là hình thức lừa đảo trực tuyến được thực hiện thông qua mạng Internet. Các đối tượng bằng các hành vi, thủ đoạn gian dối, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dùng Internet khiến cho họ tin vào những thông tin giả mạo mà chúng đưa ra nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Các phương thức lừa đảo qua mạng hiện nay

  • Các đối tượng thông qua các tài khoản mạng xã hội ảo gửi những tin nhắn thông báo trúng thưởng các tài sản có giá trị lớn, đồng thời yêu cầu người nhận chuyển cho chúng một số tiền bằng cách nạp thẻ cào hoặc qua tài khoản ngân hàng để nhận thưởng và chiếm đoạt số tiền đó;
  • Chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản Facebook của người dùng để gửi tin nhắn lừa mượn tiền đến những người thân, bạn bè của chủ tài khoản;
  • Giả danh ngân hàng gọi điện, gửi email yêu cầu người dùng cung cấp số tài khoản, mật khẩu, mã OTP,… để rút tiền trong tài khoản của người bị hại;
  • Lập các trang web giả mạo đầu tư tài chính để kêu gọi người dùng mạng xã hội tham gia với cam kết lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào nhưng sau đó một thời gian thì thông báo dừng hoạt động trang web, sàn giao dịch để bảo trì hoặc yêu cầu người dùng nạp thêm tiền vào mới được rút vốn;
  • Gửi các link, tệp có chứa mã độc thông qua tin nhắn mạng xã hội, email về các vấn đề nóng và yêu cầu người dùng nhấp vào để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

Khi bị lừa đảo qua mạng thì làm gì? Tố cáo ở đâu?

Khi nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo qua mạng, người bị hại cần thực hiện thu thập các thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi lừa của các đối tượng và tiến hành trình báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi của mình.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát  tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Hồ sơ trình báo cơ quan công an gồm những gì?

  • Bản sao công chứng CMND/CCCD của người bị hại;
  • Đơn trình báo công an;
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu của người bị hại;
  • Các chứng cứ kèm theo để chứng minh hành vi lừa đảo.

Mẫu đơn tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng

Mẫu đơn tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng

Bằng chứng thu thập gồm những gì?

Việc cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng. Bằng chứng thu thập phục vụ cho việc tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng có thể bao gồm: tin nhắn trao đổi, email giả danh của các đối tượng, biên lai chuyển tiền và các thông tin liên quan đến đối tượng lừa đảo như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,…

Khung hình phạt cho người lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Zalo, email…

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người lừa đảo qua mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Xử lý hình sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể phải chịu các mức hình phạt sau:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
  • Tài sản chiếm đoạt trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175, 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong trường hợp:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Khung hình phạt

Khung hình phạt

Luật sư tư vấn tố cáo lừa đảo qua mạng xã hội

  • Tư vấn soạn thảo đơn tố cáo;
  • Tư vấn cách thức nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền;
  • Tư vấn và hướng dẫn khách hàng thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội;
  • Tư vấn về quy trình, thời gian xử lý, giải quyết đơn tố cáo của cơ quan có thẩm quyền;
  • Tư vấn những điểm cần lưu ý khi nộp đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền;
  • Giải thích, hướng dẫn cách thức khách hàng theo dõi quá trình xử lý vụ án.

Dựa vào những thông tin cơ bản về các phương thức lừa đảo qua mạng hiện nay, cách thức, thủ tục tố giác và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận mà chúng tôi đã cung cấp trên đây, CHUYÊN TƯ VẤN LUẬT tin rằng Quý bạn đọc đã hiểu rõ được việc cần làm gì khi bị lừa đảo qua mạng. Để được giải đáp những vướng mắc và nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các luật sư, chuyên viên pháp lý, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua số HOTLINE 1900.63.63.87. Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ hết mình.

 

4.7 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết