Tình tiết làm nhẹ tội trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tình tiết giúp các bị cáo được giảm mức xử phạt so với mức xử phạt đáng lẽ bị cáo phải chịu khi thực hiện hành vi phạm tội. Vậy các tình tiết này được quy định như thế nào và trường hợp nào được áp dụng để làm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bài viết này sẽ tư vấn cụ thể những vấn đề đó.

Mục Lục
Quy định của pháp luật về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khái niệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của tội phạm dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản cho tội phạm để chiếm đoạt tài sản đó.
- Trên thực tế, hành vi này rất phổ biến, nhất là khi công nghệ thông tin, mạng xã hội này càng phát triển. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, bất động sản, chứng khoán,…
- Hành vi này là hành vi được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 và người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như các mức xử phạt tùy theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tùy mức độ lừa đảo tài sản và ảnh hưởng của hành vi để đưa ra mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng trong các trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: có tính chất nguy hiểm chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, lợi dụng chức vụ, có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm; chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: khi hành vi đó chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai dịch bệnh để trục lợi cá nhân.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hành vi này có được giảm nhẹ hình phạt không?
- Tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ tội cho bị cáo là các tình tiết giúp làm miễn, giảm trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải chịu khi thực hiện hành vi phạm tội.
- Miễn, giảm trách nhiệm hình sự là hành vi có tính khoan hồng được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện bằng việc miễn, giảm sự tác động cưỡng chế thuộc nội dung của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng trong quá trình truy cứu và thực hiện trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
- Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể được miễn, giảm trách nhiệm hình sự khi các tình tiết gỡ tội, làm nhẹ tội phù hợp với quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Tình tiết gỡ tội, làm nhẹ tội trong vụ án theo quy định bộ luật hình sự 2015

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, các tình tiết gỡ tội, làm nhẹ tội cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm:
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
- Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
- Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Như vậy, tùy vào các yếu tố nhân thân, sự hối lỗi về hành vi, bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được xem xét gỡ tội, làm nhẹ tội.
Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
>>> Xem thêm: Lừa đảo khác lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như thế nào?
Một số tình tiết giảm nhẹ thường gặp đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Công văn 330/TANDTC-V1 ngày 01/11/2016 là trường hợp người phạm tội
- Có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể;
- Hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình;
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận là đúng.
Khi bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm mục tiêu khắc phục khó khăn trong gia đình, mong muốn gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo thì có thể coi đây là một tình tiết làm nhẹ tội cho bị cáo theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Tự thú, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả sau khi thực hiện hành vi
- Tự thú là việc người phạm tội phải chủ động đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi của mình trước khi tội phạm bị phát hiện.
- Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác.
- Còn ăn năn hối cải là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, hối hận vì đã thực hiện tội phạm, đồng thời mong muốn cải tạo tốt để sửa chữa lỗi lầm thông qua việc chấp hành pháp luật, tích cực lao động, sản xuất,…
- Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là trường hợp hành vi của người phạm tội đã gây ra hậu quả và người phạm tội sau đó đã tự mình quyết định thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mình gây ra mà không phải do người bị thiệt hại hoặc người khác yêu cầu, ép buộc.
Các hành vi này đều là hành vi thể hiện sự hối lỗi và mong muốn giảm nhẹ hậu quả của hành vi của bị cáo sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc đưa các hành động này của bị cáo thành tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo là hợp lí, thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.
Trên đây là bài viết về vấn đề gỡ tội, làm nhẹ tội trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư tư vấn hình sự qua hotline 1900 63 63 87 để nhận được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.