Luật Đất Đai

Cách Để Xác Định Sổ Nhà Đất Giả ?

Với kỹ thuật in, kỹ thuật số phát triển, việc sản xuất các loại giấy tờ nhà đất giả ngày càng tinh vi. Với mắt thường khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Vấn nạn giấy tờ giả cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước những giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Vậy làm cách xác định sổ nhà đất giả như thế nào, mời các bạn cùng với Luật sư đất đai tìm hiểu qua bài viết sau.

Cách xác định sổ nhà đất bị giả tạo

Cách xác định sổ nhà đất bị giả tạo

Liên hệ cơ quan có thẩm quyền hoặc các chủ thể liên quan để xác định

Liên hệ cơ quan quản lý đất đai

Thứ nhất là địa chính xã, phường, thị trấn.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thì địa chính xã có chức năng:

  • Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác nhận nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn;
  • Xây dựng các hồ sơ, văn bản về đất đai và việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình và nhà ở trên địa bàn.

Do đó, khi cần xác định nguồn gốc đất, để xem sổ đất có giả hay không thì có thể liên hệ cơ quan này đầu tiên để giải quyết thuận tiện và an toàn nhất.

Thứ hai là liên hệ văn phòng đăng kí đất đai.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2015 về nhiệm vụ quyền hạn của văn phòng đăng ký đất đai thì:

  • Văn phòng đăng kí đất đai có nhiệm vụ thực hiện việc đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Thực hiện việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận);
  • Thực hiện việc đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất….

Do đó, văn phòng đăng kí đất đai có thể nắm rõ tình hình đất đai và dĩ nhiên là có thể xác định nội dung trong sổ đất có đúng hay không và do đó có thể xem xét sổ đất là giả hay thật.

Liên hệ Văn phòng công chứng uy tín để kiểm tra

Vì hiện nay, các văn phòng công chứng đều liên kết dữ liệu công chứng với nhau, cùng với việc sở hữu dữ liệu đất đai. Ngoài ra, công chứng viên cũng được được đào tạo nghiệp vụ công chứng bài bản nên có thể kiểm tra giấy tờ để xác minh sổ đất đó có phải là giả hay không.

Liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra

Liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra

Liên hệ hàng xóm, tổ dân phố, trưởng thôn, xóm… để hỏi

Những người này là những người thân cận, có hiểu biết rõ về nguồn gốc đất, chủ đất để so sánh, đối chiếu với giấy tờ đất để xem nội dung có khớp hay không, hay có sự lừa đảo nhằm CHIẾM ĐOẠT tài sản… Từ đó có thể phát hiện sổ đất có phải là giả hay không.

Kiểm tra thật kỹ giấy tờ được xuất trình để nhận ra điều bất thường

Cần xem xét kỹ những đặc điểm sau đây:

  • Độ cũ, mới của các loại giấy tờ, nếu giấy được cấp đã khá lâu mà các nét mực còn mới thì ta nên nghi ngờ;
  • Chất liệu giấy quá dày, nặng hơn bình thường;
  • Các chi tiết in trên giấy hơi xấu, có khi sai lỗi chính tả;
  • Có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm, nổi đều có điểm sai;
  • Chữ ký không liền nét (do sử dụng máy scan).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số thủ đoạn sau:

Việc tẩy xóa trên giấy tờ (bằng hóa chất hoặc bằng cơ học)

Nếu bằng hóa chất thì:

  • Thường “lộ” nhược điểm tại nơi tẩy xóa mất độ bóng láng cần thiết, do có nhiều vết trầy xước;
  • Giấy ở chỗ tẩy xóa sẽ mỏng hơn bình thường;
  • Nền in ở vị trí tẩy, bao gồm cả dòng kẻ, bị phá hủy;
  • Chữ viết chỗ tẩy xóa có khi bị nhòe, độ đậm, nhạt của chữ cũng khác.

Nếu là tẩy bằng cơ học thì:

  • Độ trơn bóng của giấy không tự nhiên, có khi nhợt nhạt, thay đổi màu sắc tại chỗ tẩy xóa;
  • Các nét chữ xung quanh vùng tẩy có thể bị mất hoặc thay đổi màu;
  • Các nét viết, in sau khi tẩy xóa thường to, đậm, nhòe;
  • Trong một số trường hợp, giấy bị co lại, mặt giấy có nhiều nếp nhăn; giấy bị xốp và giòn hơn.

Xem xét chữ ký và con dấu

  • Chữ ký giả thường không tự nhiên, lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn…
  • Đối với con dấu, nếu dấu giả khoảng cách giữa các vành thường không đều;
  • Đường nét không liên tục, tự nhiên;
  • Nét chữ không thẳng;
  • Kiểu chữ không đúng quy cách;
  • Bố cục các dòng chữ, hình vẽ không cân đối;
  • Các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó thể hiện đầy đủ nên thường hay đọng mực, mờ nhòe…

Nhận biết thông qua những kiến thức pháp lý nhất định

Phải có hiểu biết về thời điểm cấp các loại giấy tờ, đặc điểm riêng của từng loại giấy, hình con dấu, người có thẩm quyền ký ở từng giai đoạn của một số cơ quan cấp giấy.

Một số cách xác định Giấy tờ nhà đất giả khác

Dùng đèn pin (hoặc nguồn sáng khác)

Chiếu xiên một góc 10 – 20 độ với mặt giấy tại vị trí có hình dấu ở góc dưới bên phải của mặt trước Phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in typo.

  • Ở sổ hồng giả: Mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.
  • Giấy chứng nhận giả: Hình dấu được tạo bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung.

Giấy chứng nhận thật: Hình dấu được tạo bởi các chi tiết lồi và rõ nội dung.

  • Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học: Số sổ; Số vào sổ quyết định.; Loại đất.; Thời hạn; Hình thức sử dụng; Diện tích (bằng số, bằng chữ)…
  • Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…). Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc

Kiểm tra bằng kính lúp

Sổ đỏ, sổ hồng thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc sắc nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn giấy tờ giả mạo do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau. Cụ thể:

  • Giấy chứng nhận giả: Các họa tiết, hoa văn màu hồng không được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.
  • Giấy chứng nhận thật: Các họa tiết, hoa văn màu hồng được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.

Những lưu ý cho người mua và bán nhà đất

Những lưu ý cho người mua và bán nhà đất

Những lưu ý cho người mua và bán nhà đất

Ngoài việc nhận biết sổ đất giả, trong những giao dịch mua và bán bất động sản (BĐS), chủ sở hữu đất cũng như người mua đất cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, chỉ nên cung cấp bản photo sổ đất cho người có nhu cầu về nhà ở.
  • Khi bị mất sổ đất, phải lên cơ quan Công an phường, xã để trình báo và làm thủ tục xin cấp mới để tránh tình trạng việc sổ của bạn được sủ dụng vào mục đích khác trái pháp luật.
  • Khi có nhu cầu mua đất, người mua nên tìm đến các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện để tìm hiểu kỹ về tình hình của thửa đất cũng như thông tin về nhân thân của chủ đất.

Trên đây là bài viết chi tiết về Cách để xác định sổ nhà đất giả. Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về  các vấn đề có liên quan hoặc cần được TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI vui lòng gọi số HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ ĐẤT ĐAI hỗ trợ.

5 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết