Từ 13 năm trước, Công ty Hải Nhân đã ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với nhiều khách hàng để huy động vốn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa hoàn thiện pháp lý.
Khách hàng lao đao
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, dự án Khu nhà ở phường Phước Long B, Quận 9 được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Hải Nhân (Công ty Hải Nhân) được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Sau hơn 10 năm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có dấu hiệu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và các hạng mục theo phê duyệt. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện pháp lý theo quy định, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về việc điều chỉnh lại ranh dự án, chưa được giao đất… nhưng theo phản ánh, từ năm 2006, Công ty Hải Nhân đã ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với nhiều khách hàng để huy động vốn.
Cụ thể, ngày 28/3/2006, Công ty Hải Nhân do bà Nguyễn Ngọc Thanh Huyền làm đại diện đứng ra ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với khách hàng là bà Lê Thị L. C để huy động vốn đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư phường Phước Long B, Quận 9. Đổi lại, Công ty Hải Nhân sẽ bàn giao lại cho khách hàng 1 nền biệt thự tại dự án với diện tích 200m². Tổng giá trị Hợp đồng hợp tác đầu tư là 858 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án và bàn giao nền cho khách hàng là 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư hạ tầng chính.
Về sau, bà C. có chuyển nhượng lại lô đất này cho ông Trương Thế Việt. Ông Việt tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của bên góp vốn dưới hình thức ký Giấy thỏa thuận đổi tên người tham gia hợp đồng hợp tác và đã được Công ty Hải Nhân chấp thuận, xác nhận.
Tương tự, ngày 21/11/2006, Công ty Hải Nhân ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với bà Trần Thị T. H. Theo nội dung Hợp đồng thì thời gian thực hiện và bàn giao nền cho khách hàng trong vòng 24 tháng. Chờ mãi tới năm 2010, bà H bán lại lô đất này cho bà Đinh T.T với giá gần 1,2 tỉ đồng. Hai bên cùng ký Giấy thỏa thuận đổi tên người tham gia hợp đồng, có văn bản xác nhận từ Công ty Hải Nhân.
Song song với việc thực hiện tiếp Hợp đồng của bà H, bà T. còn tiếp tục nhận chuyển nhượng lại từ ông Hoàng T. D một Hợp đồng tương tự mà trước đó người này đã ký với Công ty Hải Nhân từ năm 2007.
Tuy nhiên, theo bà T, sau khi thay thế bà H và ông D thực hiện hợp đồng, bà đã đóng tiền theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, tới nay đã gần 10 năm trôi qua nhưng Công ty Hải Nhân vẫn chưa giao đất như cam kết trong hợp đồng đã ký.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty Hải Nhân đã ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với rất nhiều người để huy động vốn. Cho tới thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa đầy đủ pháp lý, chưa được UBND Thành phố giao đất, và đang là bãi đất trống, chưa có dấu hiệu triển khai.
Trước thực trạng trên, nhiều người cho biết: “Hợp đồng hợp tác đầu tư” mà khách hàng ký kết với Công ty Hải Nhân thực chất là hợp đồng đặt mua nền đất tại dự án để xây dựng nhà ở. Việc dự án “đắp chiếu” hơn 10 năm nay đang khiến họ phải rơi vào cảnh khốn đốn. Do đó, nhiều người đã liên hệ với Công ty Hải Nhân nhằm tìm ra hướng xử lý phù hợp. Bên cạnh một số khách hàng đồng ý nhận lại tiền góp vốn thì vẫn còn một số hộ dân chưa đồng ý với phương án của chủ đầu tư đưa ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thế Việt cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng lại từ khách hàng trước, ông đã đóng tiền lên tới 70% giá trị Hợp đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, chủ đầu tư vẫn chưa thể giao nền đất như cam kết. Do đó, để giải quyết vấn đề này, giữa ông và Công ty Hải Nhân đã từng ngồi lại làm việc với nhau nhiều lần nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Huy động vốn trái luật?
Cũng theo phản ánh, trong khi nhiều khách hàng đang lên tiếng khiếu nại về việc góp vốn cho chủ đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được nhận nền thì ngày 18/12/2018, Công ty Hải Nhân tiếp tục ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Vạn Thịnh Vượng (Công ty Vạn Thịnh Vượng) để phân phối 97 nền nhà phố tại dự án (hình thức bán lại 1 phần của dự án cho Công ty Vạn Thịnh Vượng).
Liên quan đến vấn đề này, ngày 7/10, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hải Nhân. Lý giải về việc dự án chậm triển khai, ông Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc mở rộng đường Vành đai 2 nên buộc công ty phải điều chỉnh lại quy hoạch, điều chỉnh ranh dự án.
Còn việc ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với khách hàng và đơn vị phân phối để huy động vốn, vị đại diện công ty này vẫn khẳng định là “đúng luật”. (?!)
Trước thông tin phản hồi của chủ đầu tư, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chuyên Tư Vấn Luật, Giám đốc Công ty Chuyên Tư Vấn Luật (Đoàn Luật sư TP HCM).
Chuyên Tư Vấn Luật cho biết, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 quy định, đối với bất động sản là quyền sử dụng đất muốn đưa vào kinh doanh phải có các điều kiện sau: Trường hợp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp thì phải có các công trình hạ tầng tương ứng với nội dung và tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 14 quy định về việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần cũng được quy định rõ: Việc ứng tiền trước được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho bất động sản theo nội dung, tiến độ của dự án đã được phê duyệt, các lần huy động tiếp theo phù hợp với tiến độ thực hiện đầu tư tạo lập bất động sản; Trường hợp chủ đầu tư giao bất động sản chậm tiến độ ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng theo hợp đồng và phải trả cho khách hàng một khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm giao bất động sản tương ứng với thời gian chậm tiến độ;…
Còn hiện tại, Điều 9 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định, đối với bất động sản là quyền sử dụng đất muốn đưa vào kinh doanh thì điều kiện tiên quyết phải có đó là đất đó đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, theo Khoản 3, Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về việc ký hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại thì chủ đầu tư chỉ được ký kết hợp đồng huy động vốn khi đã có hồ sơ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định pháp luật; Đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng theo tiến độ dự án được phê duyệt; Đã có biên bản bàn giao mốc giới của dự án; Đã có thông báo đủ điều kiện huy động vốn từ Sở Xây dựng nơi có dự án.
“Tính đến thời điểm hiện tại, dự án của Công ty Hải Nhân vẫn chưa được giao đất, chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng. Vì vậy, việc Công ty Hải Nhân liên tục huy động vốn có dấu hiệu trái phép như hiện nay đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể góp vốn.
Cũng nhấn mạnh rằng, việc chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác với nhiều khách hàng để huy động vốn trong thời gian qua là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng khi bỏ tiền đầu tư tại dự án”,Chuyên Tư Vấn Luật chia sẻ.
Dư luận hoài nghi, liệu Công ty Hải Nhân có thực sự đủ năng lực để thực hiện dự án? Còn Công ty Vạn Thịnh Vượng có đang “bắt tay” và dùng lại “chiêu cũ” của chính Công ty Hải Nhân để huy động vốn từ khách hàng, trong khi hạ tầng thì bị “làm ngơ” chưa xây dựng?
Liên quan vụ việc, ngày 4/10, PV đã liên hệ UBND Quận 9 và để lại nội dung thông tin, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: tuoitrethudo.com.vn