Luật Dân sự

Thời Hạn Kháng Cáo Bản Án Dân Sự Sơ Thẩm

Trong trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện không đồng ý với bản án sơ thẩm mà Tòa án đã tuyên thì tất cả các cá nhân, tổ chức trên hoàn toàn có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, để một bản án dân sự được kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm thành công, người kháng cáo cần phải chú ý và đảm bảo tuân thủ các quy định về thời hạn kháng cáo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể xem qua bài viết với nội dung chi tiết liên quan đến thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm sau đây. Khi đã nắm rõ được thông tin này, chắc hẳn Quý bạn đọc sẽ chủ động hơn rất nhiều trong quá trình tham gia tố tụng dân sự.

Thời hạn để kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là bao lâu?
Thời hạn để kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là bao lâu?

>>Xem thêm: Hướng giải quyết của Tòa án phúc phẩm trong vụ án dân sự có kháng cáo

Thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Căn cứ theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trường hợp không đồng ý với quyết định tại bản án sơ thẩm, người kháng cáo bao gồm đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm đã tuyên để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Đơn kháng cáo phải thỏa mãn những nội dung như sau (Căn cứ khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015):

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án sơ thẩm. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.

Việc nộp đơn kháng cáo phải tuân thủ theo đúng thời hạn như pháp luật đã quy định.

Thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Pháp luật hiện hành có quy định về thời hạn kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm như sau (Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015):

  • Về nguyên tắc chung, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;
  • Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên toàn hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhân được bản án hoặc bản án được niêm yết.
  • Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

Ngoài ra, thời hạn kháng cáo còn được áp dụng với một vài trường hợp đặc biệt như trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính. Căn cứ vào khoản 3 Điều 273 thì lúc này ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

Để tránh trường hợp đương sự đương sự không biết về thời hiệu kháng cáo, tại tất cả bản án dân sự được tuyên bởi Tòa án dân sự đúng thẩm quyền, phía cuối bản án luôn có nội dung quy định thời hạn kháng cáo 15 ngày kể từ ngày bản án này được tuyên. Điều này giúp ích rất nhiều đối với đương sự khi có thể chủ động sắp xếp thời gian trong quá trình tham gia tố tụng.

Về thời hạn 15 ngày là một con số khá lớn đủ cho đương sự chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để tiến hành kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, trên thực tế vẫn có trường hợp đương sự không thể thực hiện quyền kháng cáo trong khoảng thời gian này. Lường trước được những trường hợp đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định thêm về thời hạn kháng cáo quá hạn nhằm mục đích bảo vệ tối đa quyền lợi của đương sự.

Thời hạn kháng cáo quá hạn bản án dân sự sơ thẩm

Căn cứ theo Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các trường hợp gửi đơn kháng cáo quá thời hạn như đã quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì việc kháng cáo đó sẽ được xem là kháng cáo quá hạn.

Đối với trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập hội đồng gồm ba thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gian của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp (Theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015).

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định (Theo khoản 3 Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Từ những phân tích trên ta có thể thấy được rằng thời hạn kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm là yếu tố quan trong để thực hiện quyền kháng cáo yêu cầu xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Do đó, người có quyền kháng cáo cần nắm kĩ những quy định về thời hạn kháng cáo để có thể tự bản thân bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm”. Nếu còn bất kỳ thắc mắc về nội dung bài viết hay các quan hệ pháp luật dân sự, thủ tục tố tụng dân sự, xin Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87. Xin cảm ơn.

4.6 (18 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết