Các luật sư đã chỉ ra nhiều vi phạm cả về nội dung lẫn thủ tục tố tụng trong Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Chưa làm rõ nhiều nội dung Viện KSND kháng nghị
Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai gia đình ông Quách Văn Phúc (nguyên đơn, ở ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) với vợ chồng ông Quách Văn Lực và bà Phan Thị Út (bị đơn, ở cùng ấp) xảy ra suốt nhiều năm qua.
Qua gần 10 năm xét xử, vụ án đã có 4 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, 1 quyết định kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, 2 quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Gần đây nhất ngày 30/11/2018, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện) ban hành Quyết định kháng nghị số 205/QĐKNGĐT-VKS-DS (Kháng nghị) đối với Bản án phúc thẩm (lần 2) số 43/2017DS-PT ngày 19/5/2017 của TAND tỉnh Bạc Liêu
Tuy nhiên, ngày 4/4/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Tòa) lại ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 63/2019/DS-GĐT (Quyết định) với nội dung không chấp nhận Kháng nghị trên, đồng thời, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 43/2017/DS-PT của TAND tỉnh Bạc Liêu.
Không đồng tình với quyết định trên, vợ chồng ông Phúc tiếp tục làm đơn đề nghị Giám đốc thẩm. Cùng với đó, nhiều văn phòng luật sư cũng gửi đơn đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao để đề nghị thủ tục giám đốc thẩm, qua đó, chỉ ra nhiều vi phạm cả về nội dung lẫn thủ tục tố tụng trong Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Trở lại vụ việc, đơn khởi kiện của ông Quách Văn Phúc trình bày, năm 1990, do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng ông có vay nợ vợ chồng ông Quách Văn Lực và bà Phan Thị Út số tiền 3 triệu đồng. Đến năm 1992, số tiền lãi lên đến 15 triệu đồng, nên vợ chồng ông Phúc đã phải cầm cố phần đất có diện tích đo đạc thực tế 15.107,06m2 (tọa lạc tại ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A) cho vợ chồng ông Lực, với giá 31,5 chỉ vàng 24k để trừ nợ.
Theo ông Phúc, lúc cầm cố, hai bên có làm giấy tờ viết tay nhưng không quy định rõ thời hạn chuộc đất, chỉ ghi khi nào vợ chồng ông Phúc trả đủ số vàng thì chuộc lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, do đi làm thuê ở Cà Mau lâu năm nên giấy tờ cầm cố đất đã bị thất lạc.
Ông Phúc còn cho biết, sau khi cố đất, ông cũng thực hiện nghĩa vụ kê khai đăng ký phần đất trên với chính quyền địa phương để sau này về chuộc lại đất. Sau đó, ông Phúc được UBND huyện Hồng Dân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 1/1/1996.
Đến năm 2008, gia đình ông Phúc quay về chuộc lại phần đất nói trên thì vợ chồng ông Lực không đồng ý và cho rằng vợ chồng ông Phúc đã sang nhượng đất cho bà Quách Thị Huyền (con gái ông Lực).
Vợ chồng ông Phúc sau đó khởi kiện ra TAND huyện Hồng Dân để giải quyết. Và như đã nêu, nhiều bản án đã tuyên nhưng đến nay vụ án vẫn chưa ngã ngũ.
Sau khi tiếp nhận và nghiên cứu đơn kêu của vợ chồng ông Phúc, các luật sư cho rằng, về nội dung vụ án, Tòa không giải quyết đúng và đầy đủ các nội dung mà Viện đã kháng nghị.
Cụ thể, theo Chuyên Tư Vấn Luật – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích:
Thứ nhất, Tòa chưa làm rõ được vấn đề có hay không giao dịch chuyển nhượng và chứng cứ “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/1/1994, do bà Huyền cung cấp có giả tạo hay không? Thay vào đó, trong phần nhận định Tòa chỉ mới nhắc lại nội dung mà Viện đã kháng nghị.
Thứ hai, về hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, ngày 1/1/1996, ông Phúc, bà Sơn được cấp GCN đối với ba thửa đất trên. Tuy nhiên, ngày 7/8/1997, bà Huyền (con gái của ông Lực, bà Út) cũng được cấp GCN đối với ba thửa đất trên, nhưng hồ sơ cấp đất không có lưu trữ.
Nhưng Tòa tiếp tục phớt lờ đi nội dung này, khi chưa làm rõ được hồ sơ xin cấp GCN cho ông Phúc theo UBND huyện Hồng Dân là đúng quy định, còn của bà Huyền là sai quy định.
Ngược lại, Tòa viện dẫn đây là một trong những căn cứ chứng minh rằng tồn tại giao dịch chuyển nhượng.
Thứ ba, trong Kháng nghị cũng đề cập tới việc ông Phúc vẫn sử dụng canh tác ổn định trên phần đất tranh chấp từ trước đến nay. Nếu cho rằng ông Phúc đã chuyển nhượng từ năm 1994 thì tại sao gia đình bị đơn không sử dụng canh tác đất?
Trái ngược lại, Tòa cho rằng, phần đất tranh chấp đã được ông Dũng, bà Huyền sử dụng ổn định từ năm 1994 và có kê khai, đăng ký cấp GCN vào năm 1997. Ở đây, rõ ràng đang có sự mâu thuẫn nhưng Tòa lại không giải thích cũng không làm sáng tỏ tình tiết này.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Văn phòng Luật sư Hà Tuyền – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích, Tòa có những lập luận mang tính khiêng cưỡng, trái nguyên tắc pháp luật, dẫn tới kết luận mơ hồ.
Cụ thể, tại phần nhận định của Tòa có nêu: “… Nhưng theo xác minh của người dân địa phương thì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vào thời điểm năm 1994 có giá 3 chỉ vàng trên một công tầm cấy, cũng như ông Dũng và bà Huyền sử dụng đất từ năm 1994, là có căn cứ…”.
Từ đó có thể thấy, căn cứ để Tòa xác định có giao dịch chuyển nhượng là dựa vào số vàng thực tế giao dịch. Tuy nhiên, lập luận dựa trên căn cứ duy nhất này là hoàn toàn không có cơ sở, bởi chiếu theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh số 52/-LCT/HĐNN8 về giao kết hợp đồng dân sự thì Hợp đồng dân sự được giao kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Như vậy, giá trị của giao dịch cầm cố giữa vợ chồng ông Phúc và ông Lực là thỏa thuận giữa đôi bên, miễn sao dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, không trái luật pháp và đạo đức xã hội.
Cùng đồng tình với các nhận định trên, Luật sư Võ Thiện Hiển (Giám đốc Công ty Luật TNHH Apolo Lawyers – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) còn cho rằng, qua xem xét các Biên bản lấy lời khai của người làm chứng, dường như Tòa án chỉ chọn lựa những lời khai có lợi cho phía ông Dũng, bà Huyền và điều “lạ lùng” những lời khai này có bố cục rất giống nhau. Và cả trong chính lời khai của những người này cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, thiếu logic.
Chính vì vậy, theo quan điểm của Luật sư, Tòa lấy những lời khai này làm chứng cứ là vi phạm nghiêm trọng quy định về nguồn chứng cứ và xác định chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Dấu hiệu vi phạm tố tụng
Ngoài nhiều nội dung vụ án chưa được làm rõ thì các luật sư còn chỉ ra nhiều vi phạm về mặt tố tụng, trong đó, vi phạm đầu tiên được chỉ ra là việc xác định sai tư cách tố tụng.
Cụ thể, các luật sư đều chỉ rõ, phía ông Lực và bà Út không thừa nhận quan hệ cầm cố quyền sử dụng đất, còn phía bà Huyền, ông Dũng thì cho rằng đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng phần diện tích đất trên từ vợ chồng ông Phúc. Trong tranh chấp này, tồn tại hai quan hệ pháp luật dân sự là cầm cố và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nếu xác định bị đơn là bà Huyền và ông Dũng thì cần phải xem xét nguồn gốc sử dụng đất, quá trình sử dụng, hiện trạng pháp lý và quan trọng nhất là giá trị pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Phúc và bà Huyền, ông Dũng.
Quan hệ cầm cố chỉ được xem là chứng cứ làm rõ nội dung và yêu cầu khởi kiện. Phía ông Lực và bà Út nếu có yêu cầu độc lập về nghĩa vụ trả lại số vàng mà vợ chồng ông Phúc đã cầm cố thì nên có văn bản gửi đến tòa án đang có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Do vậy, trong trường hợp này, tư cách tố tụng đúng phải là: Bị đơn – ông Dũng và bà Huyền; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan – ông Lực và bà Út. Trong khi trước đây, các cấp tòa xác định ngược lại.
Vấn đề này cũng đã được quyết định Giám đốc thẩm số 490/2014/DS-GĐT ngày 8/12/2014 của TAND Tối cao yêu cầu làm rõ quan hệ tranh chấp ở đây là cầm cố hay chuyển nhượng QSDĐ? Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 43/2017/DS-PT đã không giải quyết được vấn đề này.
Vi phạm tiếp theo được các luật sư chỉ ra về thẩm quyền giải quyết vụ án. Qua đó, căn cứ theo Khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 (có hiệu lực 1/7/2016) thì thẩm quyền của tòa án trong trường hợp đương sự có yêu cầu xem xét việc hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức là của TAND cấp tỉnh. Do vậy, việc TAND huyện Hồng Dân xác định tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của mình là không đúng thẩm quyền.
Nguồn: ngaymoionline.com.vn