Luật Thừa Kế

Trường Hợp Nào Thì Không Được Hưởng Di Sản Thừa Kế Do Người Mất Để Lại?

Trường hợp nào thì không được hưởng di sản thừa kế do người mất để lại là câu hỏi mà cả người để lại di sản và người thừa kế đều thắc mắc. Mặc dù đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 nhưng để biết chính xác về trường hợp nào mà một người không được hưởng di sản thừa kế, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ người có chuyên môn. Bài viết dưới đây sẽ thông tin cụ thể đến quý khách về nội dung này.

Trường hợp nào không được hưởng di sản thừa kế

Thừa kế là gì?

Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, các quyền, nghĩa vụ từ người đã chết sang người còn sống.

Theo quy định hiện hành, có hai loại thừa kế:

  • Thừa kế theo pháp luật: Người thừa kế được xác định dựa trên quan hệ huyết thống và hôn nhân với người chết.
  • Thừa kế theo di chúc: Thông qua di chúc, người để lại di chúc thể hiện ý chí nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền thừa kế thì: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Và tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

>>Xem thêm: Quyền thừa kế là gì?

Trường hợp thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì những trường hợp sau đây không được hưởng thừa kế:

Thứ nhất, người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Theo đó, cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản là giết người để lại di sản, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người để lại di sản. Ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản là đối xử tồi tệ hoặc đầy đọa người để lại di sản cả về thể xác lẫn tinh thần. Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản thể hiện ở hành vi làm nhục, sỉ nhục, bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự người để lại di sản.

Cần lưu ý rằng, điều kiện quan trọng được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp mặc dù có những hành vi trên nhưng không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Hơn nữa, người thừa kế có những hành vi nói trên đã bị kết án, dù đã được xóa án thì vẫn không có quyền hưởng di sản của người đã chết.

Thứ hai, người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình như nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con cái, giữa ông, bà và cháu, giữa, chị, em với nhau, nếu có khả năng nuôi dưỡng, mà không thực hiện nuôi dưỡng, làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó.

Thứ ba, người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Thứ tư, người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Do đó, hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Vì vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.

 Thừa kế theo pháp luật

>>Xem thêm: Không có tên trong sổ hộ khẩu có được chia tài sản thừa kế không?

Trường hợp thừa kế theo di chúc

Theo đó, những người thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ là người không được hưởng di sản. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người đã phân tích ở phần trên vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Theo đó, luật dân sự dựa trên cơ sở pháp luật luôn tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản nên trường hợp nếu người để lại di sản mong muốn cho những người này thừa kế di sản của mình thì pháp luật hoàn toàn không cấm.

Ngoài ra, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Thừa kế theo di chúc


Các trường hợp không được hưởng di sản thừa kế có thể thay đổi theo quy định của pháp luật. Để biết chính xác trường hợp nào không được hưởng di sản thừa kế cần phải tham khảo ý kiến của luật sư. Nếu quý khách còn thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý chuyên sâu vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn luật thừa kế.

>>Bài viết có thể bạn quan tâm:

4.6 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết