Pháp luật hiện hành quy định hai trường hợp thừa kế đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc hợp pháp, di sản được chia theo nội dung di chúc mà người lập di chúc để lại. Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích của những người có mối quan hệ ruột thịt với người để lại di chúc, Bộ luật Dân sự hiện nay đã có những quy định về các trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Thông qua bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng làm rõ, phân tích sâu vào vấn đề liệu có trường hợp nào được hưởng di sản nhưng không phụ thuộc vào di chúc?
Mục Lục
1.Những trường hợp nào được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có thể kể đến:
- Con chưa thành niên của người để lại di sản:
“Con” trong trường hợp này được xem như là không phân biệt con đẻ hay con nuôi, con ngoài giá thú hay trong giá thú. Tuy nhiên, nếu là con nuôi thì phải là con nuôi hợp pháp (tức là phải thực hiện đầy đủ các thủ tục nhận nuôi theo quy định của pháp luật).
Người để lại di chúc lúc này phải có nghĩa vụ đối với con chưa thành niên của mình. Trong trường hợp này, độ tuổi chưa thành niên sẽ được xác định tại thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có di sản thừa kế chết.
- Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động:
Theo như quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.”. Nhưng hiện tại không có một định nghĩa chính xác nào cho cụm từ không có khả năng lao động. Tuy nhiên dựa vào thực tế ta có thể tạm hiểu người thành niên mà không có khả năng lao động tự nuôi sống bản thân là người đã thành niên (vào thời điểm mở thừa kế) nhưng mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, không làm chủ hành vi của mình như bị bại liệt toàn thân, liệt cột sống, liệt đốt sống cổ, liệt hai chi trở lên, mất sức lao động từ 81% trở lên…
Như vậy, đối với các đối tượng nêu trên sẽ được hưởng thừa kế theo diện thừa kế bắt buộc mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc, không phụ thuộc là có tên trong di chúc hưởng di sản thừa kế hay không.
- Cha, mẹ của người để lại di sản:
“Cha, mẹ” trong trường hợp này được hiểu là cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi. Tuy nhiên nếu là cha, mẹ nuôi thì phải là cha, mẹ nuôi hợp pháp, tuân thủ các quy định về nhận nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Vợ, chồng của người để lại di sản:
Đối tượng được hưởng di sản thừa kế nhưng không phụ thuộc vào nội dung di chúc tiếp theo là vợ hoặc chồng của người để lại di sản. Để có thể nhận tài sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì vợ, chồng phải là vợ, chồng hợp pháp, được pháp luật công nhận.
Theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các trường hợp được coi là vợ, chồng hợp pháp thì cần thiết phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Một người đã kết hôn với người khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mà chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ hoặc chồng của họ chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết.
- Nếu hai người xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa ly hôn hoặc không có ai chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì vẫn được coi là vợ chồng hợp pháp.
- Một người kết hôn với người khác mà vi phạm điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình nhưng đã được tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án đã có hiệu lực và chưa ly hôn hoặc không có người nào chết hay bị tòa án tuyên bố là đã chết thì sẽ được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Đối với các đối tượng nêu trên, kể cả trong trường hợp người có di sản thừa kế không để lại di sản thừa kế cho họ trong di chúc thì họ vẫn có quyền được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.
2. Điều kiện để được hưởng thừa kế
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì để được hưởng thừa kế nhưng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì những người thừa kế phải đáp ứng những tiêu chí sau:
- Cá nhân được hưởng di sản thừa kế phải còn sống (hoặc là bào thai đã thành hình) tại thời điểm mở thừa kế;
- Cá nhân được hưởng di sản thừa kế không từ chối nhận di sản thừa kế;
- Cá nhân không thuộc vào trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015.
3.Thủ tục khởi kiện đòi di sản thừa kế
- Chuẩn bị thành phần hồ sơ khởi kiện:
- Đơn khởi kiện;
- Các giấy tờ về quan hệ nhân thân: Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ khẩu, Giấy giao nhận nuôi con nuôi…
- Giấy chứng tử;
- Bản kê khai di sản;
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
- Các giấy tờ liên quan khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, Biên bản giải quyết tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nếu có), Tờ khai từ chối nhận di sản…
2. Nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền:
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án cấp có thẩm quyền sẽ phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí và đưa vụ án này ra xét xử.Thủ tục khởi kiện đòi di sản thừa kế.
Trên đây là những phân tích, đánh giá khách quan của chúng tôi xoay quanh vấn đề “Có trường hợp nào được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào di chúc hay không?”. Mọi thắc mắc cần giải đáp về các vấn đề pháp lý có liên quan, xin quý khách hàng vui lòng liên hệ với Chuyên Tư Vấn Luật hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tận tình, chu đáo.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.