Có phải trả nợ thay khi không nhận thừa kế không là câu hỏi được nhiều người quan tâm bởi lẽ họ không biết rằng trả nợ thay là trách nhiệm của những ai. Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc một số quy định của pháp luật thừa kế, về thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại cũng như giải đáp được vấn đề có phải trả nợ do người vay chết khi không nhận di sản thừa kế.
Liệu không nhận thừa kế có phải trả nợ thay người chết không?
>> Xem thêm: Có được nhận thừa kế sau khi bị lừa từ chối nhận
Mục Lục
Xác định những người được thừa kế di sản
Việc xác định những người nhận thừa kế sẽ tùy vào từng trường hợp. Trong trường hợp người chết để lại di chúc, việc xác định những người thừa kế cũng như phần di sản thừa kế phụ thuộc chủ yếu vào di chúc; trường hợp không có di chúc, việc xác định người thừa kế sẽ tuân theo quy định của pháp luật thừa kế.
Thừa kế theo di chúc
Những người thừa kế theo di chúc là những người được người chết phân chia di sản thể hiện theo ý chí trong di chúc. Tuy nhiên, cần lưu ý những người sau đây sẽ vẫn là người thừa kế dù trong di chúc không nhắc đến:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Thừa kế theo pháp luật
Khi không có di chúc, việc xác định người thừa kế sẽ tuận theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo hàng thừa kế. Di sản sẽ được phân chia cho một hàng thừa kế duy nhất theo thứ tự ưu tiên là hàng thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), các hàng thừa kế gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột (người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại).
- Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột (người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột); chắt ruột (người chết là cụ nội, cụ ngoại).
Quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định tại Điều 615 BLDS 2015, theo đó:
- Trong phạm vi di sản để lại, những người được hưởng di sản thì phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết, trừ trường hợp những đồng thừa kế có thỏa thuận khác;
- Trong phạm vi di sản để lại, nếu di sản chưa được chia thì người quản lý di sản thực hiện nghĩa vụ tài sản theo thỏa thuận của những người thừa kế;
- Nếu di sản đã được chia thì mỗi người nhận thừa kế sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản tương ứng nhưng không vượt quá phần thừa kế đã được nhận. Tuy nhiên, các đồng thừa kế cũng có quyền thỏa thuận với nhau về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản như thế nào;
- Nếu trong di chúc có người thừa kế không phải là cá nhân thì người thừa kế đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản tương tự với cá nhân.
Người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Những người không nhận thừa kế
Theo quy định tại Điều 620, Điều 621 BLDS 2015, có 02 trường hợp người không nhận thừa kế:
- Người từ chối nhận di sản: trừ trường hợp từ chối để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình với người khác thì những người có quyền có quyền từ chối nhận phần di sản được nhận;
- Những người không được quyền hưởng di sản, bao gồm:
- Người đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe; hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành vi hành hạ hoặc hành vi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản;
- Người có hành vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Không nhận thừa kế thì có phải trả nợ thay người chết không?
Cha mẹ có phải trả nợ thay con không? Chồng chết vợ có phải trả nợ thay không? Nợ cha mẹ thì con cái có phải trả không?… Tất cả những câu hỏi trên đều là thắc mắc của rất nhiều người.
Theo khoản 3 Điều 422 BLDS 2015, hợp đồng sẽ chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng đó chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện.
Theo Điều 615 BLDS 2015, những người thừa kế phải trả nợ thay người đã chết trong phạm vi di sản được nhận, trừ trường hợp các đồng thừa kế có thỏa thuận khác.
Như vậy, hợp đồng vay tài sản sẽ chấm dứt khi cá nhân chết, những người thừa kế sẽ có trách nhiệm trả nợ trong phạm vi di sản được nhận; điều này tức là người thừa kế không phải trả nợ thay người chết nếu họ không nhận thừa kế.
Nói ngắn gọn, nếu việc vay tài sản là của riêng một cá nhân thì khi cá nhân đó chết, nghĩa vụ trả nợ thay chỉ phát sinh khi có người nhận thừa kế.
Không phải trả nợ thay người chết nếu không nhận thừa kế
Trên đây là toàn bộ bài viết tư vấn chi tiết về việc khi không nhận thừa kế thì có phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người chết hay không. Nếu quý bạn đọc còn vấn đề chưa hiểu, có khó khăn trong quá trình tìm hiểu hoặc có các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực thừa kế thì có thể gọi ngay qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ TƯ VẤN LUẬT THỪA KẾ hỗ trợ chi tiết và kịp thời. Xin cảm ơn!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.