Luật Doanh Nghiệp

Hướng dẫn doanh nghiệp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là việc doanh nghiệp cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền là không đúng. Đó có thể là các quyết định xử phạt về khai báo thuế, kế hoạch đầu tư hay trong lĩnh vực thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động,…..

Tư vấn doanh nghiệp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Tư vấn doanh nghiệp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khi nào thì bị xử phạt vi phạm hành chính?

Khi có sự vi phạm các quy định về Luật doanh nghiệp và một số nghị định thông tư liên quan, các công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 3, Luật tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi bổ sung 2019) thì có thể hiểu quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp là:

  • Văn bản do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành xử phạt doanh nghiệp về hành vi có lỗi, vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Mời bài đọc theo dõi bài viết sau: Khiếu nại và tố cáo trong quyết định hành chính

Cần chú ý về thời hiệu khiếu nại theo quy định pháp luật
Cần chú ý về thời hiệu khiếu nại theo quy định pháp luật

Thời hiệu khiếu nại

Như đã đề cập ở trên, khi doanh nghiệp của bạn không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính (có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp) thì có thể làm đơn khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính này.

Căn cứ vào Điều 9 Luật khiếu nại hiện hành, thời hiệu để doanh nghiệp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định về xử phạt doanh nghiệp.

  • Ở đây pháp luật quy định thời gian để tính thời hiệu khiếu nại là “ngày”, do đó, “90 ngày” này sẽ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày thứ 7, chủ nhật.
  • Trong ngày thứ 90, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt thì vẫn được xem là chưa hết thời hiệu, do đó, việc khiếu nại vẫn được thụ lý, giải quyết.
  • Nếu quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt mà không có lý do chính đáng thì việc khiếu nại đó không được thụ lý giải quyết.
  • Trong trường hợp phát sinh ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Hướng dẫn thủ tục khiếu nại

Tư vấn các bước để thực hiện việc khiếu nại
Tư vấn các bước để thực hiện việc khiếu nại
  1. Doanh nghiệp làm đơn KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU đến người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
  2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền.
  3. Thời hạn giải quyết khiếu nại là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý (Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn là không quá 45 ngày). Đối với vụ việc phức tạp là không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý (không quá 60 ngày đối với vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn).
  4. Trường hợp doanh nghiệp khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền KHIẾU NẠI LẦN HAI đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
  5. Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

LƯU Ý:

  • Trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện, doanh nghiệp vẫn phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
  • Theo Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau: Giải Quyết Tranh Chấp Hành Chính Bằng Khiếu Nại

Trên đây là bài viết hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quý bạn đọc nếu có nhu cầu được tư vấn luật doanh nghiệp, xin vui lòng gọi ngay cho chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn./.

4.7 (17 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết