Luật Hôn Nhân Gia Đình

Sống Chung Như Vợ Chồng Có Được Thừa Kế Tài Sản Của Nhau Không?

Hiện nay, với xu hướng cởi mở và lối sống phóng khoáng hơn, việc chung sống với nhau như vợ chồng, lấy nhau không đăng ký kết hôn dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ gây ra những tác động lớn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng và những người có liên quan. Có thể kể đến một số vấn đề cụ thể như việc có được thừa kế tài sản của nhau khi chung sống như vợ chồng?

Chung sống như vợ chồng có đươc hưởng thừa kế của nhau không?

Chung sống như vợ chồng là gì?

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Hiện nay, có nhiều dạng thức của chung sống như vợ chồng như: sống chung không đăng ký kết hôn, sống thử, sống chung giữa hai người đồng tính, giữa những người chuyển giới với nhau hoặc với người khác giới…

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc sinh hoạt chung như một gia đình, có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng

Việc chung sống như vợ chồng như trên tuy không được pháp luật công nhận nhưng vẫn bị pháp luật cấm nếu vi phạm về độ tuổi kết hôn và các trường hợp bị cấm kết hôn như: chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ, … và theo sau đó đồng nghĩa với việc sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, việc sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn hoặc sống thử ảnh hưởng tới giá trị của các quy định pháp luật, ý thức thực thi của pháp luật giảm; ý nghĩa, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giảm sút.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì:

  • Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con: được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. (Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
  • Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng: được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. (Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Như vậy, đối với tài sản riêng của mỗi người thì tài sản của ai sẽ do người đó sở hữu, tuy nhiên nếu có tranh chấp và bên kia có giấy tờ, tài liệu chứng minh được công sức đóng góp của họ thì nó sẽ được coi là tài sản chung.

Việc phân chia tài sản chung sẽ được ưu tiên giải quyết theo thỏa thuận của các bên, nếu các bên không có thỏa thuận thì một trong các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. (Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015).

Có thừa nhận quan hệ thừa kế của người chung sống như vợ chồng?

Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có hiệu lực, tuy nhiên Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình vẫn còn hiệu lực thi hành và chưa được sửa đổi bổ sung hay bãi bỏ bằng văn bản khác vì vậy theo Mục 3 của Nghị quyết này:

Các trường hợp ngoại lệ về quan hệ vợ chồng khi không đăng ký kết hôn
  • Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
  • Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
  • Kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, trừ các trường hợp nêu trên, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Theo đó, mặc dù đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng việc không đăng ký kết hôn dẫn đến không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vậy nên theo quy định về người thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người chung sống với nhau như vợ chồng sẽ không được hưởng thừa kế di sản, trừ trường hợp di chúc để lại tài sản cho người kia. Tuy nhiên, con chung có quyền được hưởng di sản từ cha mẹ mình.

Trên đây là những phân tích của chúng tôi xoay quanh vấn đề “Chung sống như vợ chồng có được thừa kế tài sản của nhau?”. Mọi thắc mắc cần giải đáp về các vấn đề pháp lý liên quan, xin quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật sư Hôn Nhân Gia Đình qua Hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tận tình.

4.8 (20 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết