Luật Đất Đai

Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Chia Như Thế Nào?

Thừa kế đất đai không di chúc chia như thế nào là câu hỏi về việc hưởng thừa kế trong trường hợp cha mẹ chết để lại tài sản là bất động sản cho con cháu nhưng không có di chúc. Điều kiện, thủ tục nhận thừa kế đất đai đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến quý độc giả về vấn đề trên.

 
Quy định về trường hợp thừa kế đất đai không di chúc

Quy định pháp luật về thừa kế đất đai không di chúc

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, phần di sản do người chết (ông bà hoặc cha mẹ) để lại nhưng lúc chết không lập di chúc để định đoạt thì chia theo pháp luật. Vì vậy, khi thừa kế tài sản mà không có di chúc thì sẽ áp dụng nguyên tắc thừa kế theo pháp luật để phân chia.

Lúc này, khối di sản sẽ được phân cho theo thứ tự ưu tiên hàng thừa kế thứ nhất. Trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn ai (đã mất hoặc từ chối nhận di sản, không được quyền hưởng di sản,..) thì sẽ được ưu tiên chia cho hàng thừa kế thứ hai. Trường hợp hàng thừa kế thứ hai cũng không còn ai thì sẽ chia cho hàng thừa kế thứ ba.

Thứ tự nhận di sản thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại;

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Riêng khi phân chia thừa kế theo pháp luật thì thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

>>Xem thêm: Để lại di tặng đất đai bằng di chúc có được không?

Thừa kế đất đai theo pháp luật

Thừa kế đất đai theo pháp luật

Cách chia đất thừa kế không có di chúc

Như đã trình bày tại mục 1 về cách phân chia di sản không có di chúc, Điều 650 Bộ luật Dân sự này cũng áp dụng cho việc chia thừa kế đất đai không di chúc.

Lúc này, những người trong hàng thừa kế sẽ được hưởng di sản với suất chia bằng nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Nghĩa là, thửa đất sẽ được chia đều.

Tuy nhiên, căn cứ Luật Đất đai 2013, mỗi tỉnh thành sẽ có một quy định riêng về diện tích tách thửa tối thiểu. Do đó, nếu phần đất được chia nhỏ hơn diện tích tối thiểu, các đồng thừa kế bắt buộc phải chia lại bằng cách áp dụng nguyên tắc thỏa thuận của Bộ luật dân sự để xác định ai sẽ nhận đất, ai sẽ nhận phần tiền (hoặc quyền lợi) từ những người còn lại.

Nếu các bên thỏa thuận không thành, một hoặc tất cả đồng thừa kế có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế không di chúc.

Làm thủ tục khai nhận thừa kế là đất đai tại văn phòng công chứng như thế nào?


Thủ tục khai nhận thừa kế đối với đất đai tại văn phòng công chứng

Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực thì thủ tục thỏa thuận phân chia di sản được áp dụng trong trường hợp những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

  • Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng);
  • Dự thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có thể tự soạn hoặc đến tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn);
  • Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng hoặc giấy tờ khác của người yêu cầu công chứng văn bản;
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản của người để lại di sản;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người có quyền hưởng di sản: Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh, Quyết định nhận con nuôi…;
  • Giấy chứng tử/giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

Thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Người yêu cầu công chứng tiến hành chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo giấy tờ hướng dẫn ở mục trên tại tổ chức có thẩm quyền công chứng theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ người yêu cầu công chứng đã nộp. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP)

  • Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành niêm yết công khai văn bản khai nhận di sản thừa kế trong thời hạn 15 ngày tại trụ sở của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
  • Trường hợp di sản thừa kế bao gồm: bất động sản và động sản thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
  • Trường hợp di sản chỉ có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực việc niêm yết.
  • Sau thời hạn 15 ngày niêm yết Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

Bước 4: Soạn thảo văn bản khai nhận di sản và ký chứng nhận

  • Sau khi nhận được niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ. Trường hợp người yêu cầu công chứng đã chuẩn bị dự thảo văn bản khai nhận di sản thì công chứng viên kiểm tra nội dung và hình thức của văn bản. Trường hợp trong dự thảo văn bản có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
  • Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo văn bản.
  • Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo văn bản hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.
  • Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo văn bản khai nhận di sản thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản đó. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ hồ sơ đã nêu ở mục trên để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký tên cụ thể vào từng trang của văn bản theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Nộp phí và nhận kết quả

Nộp phí theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền công chứng và nhận giấy hẹn trả kết quả. Nhận kết quả là văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng theo giấy hẹn.

Căn cứ pháp lý: Điều 40,41, 58 Luật Công chứng 2014.

Cách đăng ký biến động và cập nhật thông tin chủ sở hữu đất đai mới

Hồ sơ đăng ký:

  • Đơn đề nghị đăng ký biến động đất đai (Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT)
  • Giấy tờ chứng thực quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất)
  • Giấy tờ chứng thực di sản thừa kế (Giấy chứng nhận di sản thừa kế, Bản án hoặc quyết định của Tòa án về việc thừa kế)
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân của người thừa kế (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, Hộ chiếu)
  • Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật (nếu có)

Thủ tục đăng ký biến động đối với đất đai trong trường hợp được thừa kế, gồm các bước sau đây:

  1. Bước 1: Người sử dụng đất chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
  2. Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu;
  3. Bước 3: Trong thời hạn không quá tám (08) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
  4. Bước 4: Trong thời gian không quá một (01) ngày, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trao Giấy chứng nhận cho người được cấp Giấy chứng nhận.
  5. Bước 5: Nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện

Trong trường hợp không có di chúc, việc thừa kế đất đai sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Điều kiện, trình tự, thủ tục nhận thừa kế đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và pháp luật về đất đai. Nếu quý khách còn thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý chuyên sâu vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn luật thừa kế.

>>Bài viết có thể bạn quan tâm:

4.5 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết

10 thoughts on “Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Chia Như Thế Nào?

  1. Avatar
    Lý Ngọc Trâm says:

    Xin chào luật sư!
    Tôi muốn hỏi ngài về vấn đề thừa kế tài sản là đất đai. Rất mong luật sư trả lời giúp tôi những thắc mắc dưới đây ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn ngài.
    Nguyên là bố mẹ tôi năm nay đã trên 70, 60 tuổi. Gia đình tôi sinh sống gần biên giới cửa khẩu Phước Tân, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Do bố mẹ lớn tuổi nên muốn tách bằng khoán (quyền sử dụng đất) cho anh trai tôi 10x60m2, và tôi 8x60m2 (ngang x dài), bố mẹ vẫn còn 1 phần đất phía cuối sau đất của anh em chúng tôi để dưỡng già.
    Bố mẹ tôi lên cơ quan chức năng ở xã Thành Long yêu cầu tách bằng khoán. Địa chính ở xã bảo đất nhà tôi không thể tách được vì lí do ở trên tỉnh Tây Ninh ban hành như thế. Đất nhà tôi không hề tranh chấp, k thuộc diện quy hoạch, thế mà tôi không hiểu vì sao cơ quan nhà nước lại không cho bán hay cho quyền thừa kế. Họ bảo với mẹ tôi là không có quyền làm gì với mảnh đất của chính nhà tôi. Tôi không nắm rõ luật pháp. Kính xin quý luật sư giải đáp thắc mắc trong lòng tôi. Tại sao tôi lại không được thừa kế và không được quyền sử dụng đất trong khi chúng tôi có giấy tờ hợp pháp hợp lệ để sử dụng đất của mình. Lỡ như bố mẹ chúng tôi có mất đi thì anh em chúng tôi không được quyền sử dụng đất này luôn đúng không? Phải chăng những người mặc áo quan trên người có quyền sinh sát, làm tình làm tội với những người dân như chúng tôi? Hay là họ muốn kiếm chác từ những người dân như chúng tôi?

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn Lý Ngọc Trâm,
      Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi chuyentuvanluat.com.
      Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
      Trường hợp của bạn, Bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0908 748 368 để chúng tôi tư vấn trực tiếp cho bạn.
      Trân trọng!

  2. Avatar
    Bảo says:

    Xin hỏi luật sư . Bà tôi đã mất và để lại di chúc cho tôi năm 2010 nhưng đến giờ tôi mới khai nhận đi sản . Nhưng trong di chúc viết sai ngày sinh của tôi .( ví dụ ; di chúc để sinh ngày 26 , con khai sinh ghi ngày 28 , nhưng hộ khẩu và chứng minh nhân dân vẫn ghi ngày 26 ) như vậy là khi làm di chúc tại phường có chứng thực người ta ko nhìn theo khai sinh mà dựa theo chứng minh như vậy co hợp lệ không :
    Vấn đề nữa là trong di chúc khi tôi ra công chưng khai nhận ds người ta nói đoạn sau của di chúc ko hợp lệ ( lúc đầu bà tôi nói đã nghe nhân chứng đọc lại và đồng ý với điều đó , nhưng khi cam kết thi nội tôi cam kết đã đọc lại và cũng đồng ý ) . Nhưng người ta bảo sao đã không biết chữ mà câu sau nói đọc lại công chứng viên ko chịu. Trong di chúc ko nêu bà tôi co biêt chữ hay không. Như vậy xin cho hỏi di chúc có hợp lệ không và khi ra toà toà co công nhận di chúc không . Kín mong luật sự giải thích giúp . Chân thành cảm ơn

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn Bảo
      Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyentuvanluat.com
      Đối với yêu cầu của bạn, chúng tôi trả lời như sau
      Thứ nhất, về nội dung của di chúc, theo quy định tại Điều 631 BLDS 2015, di chúc phải có các nội dung chủ yếu sau:
      1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
      a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
      b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
      c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
      d) Di sản để lại và nơi có di sản.
      2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
      Như vậy, nếu người được hưởng di sản theo di chúc có đầy đủ căn cứ về nhân thân chứng minh cho quyền hưởng di chúc của họ thì họ được hưởng.
      Về di chúc hợp pháp, theo quy định của pháp luật thì di chúc có đủ các điều kiện sau đây được coi là di chúc hợp pháp:
      a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
      b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
      Nếu di chúc của bà nội bạn có đầy đủ các điều kiện trên thì di chúc hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.
      Trân trọng.

  3. Avatar
    Vi says:

    Ông bà nội tôi mất để lại quyền thừa kế đất đai cho tôi và ba tôi. Sau ba tôi có vk lần 2 và 2 con gái. ba tôi làm hợp đồng tặng 1/2 phần đất trên cho vk2 khi không có sự đồng ý của tôi. xin hỏi luật sự, vậy có đúng theo yêu cầu pháp luật hay không. đất chưa tách thửa.

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn Vi,
      Đối với vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
      Trong trường hợp di chúc ông bạn để lại là hợp pháp và đúng theo quy định của pháp luật về thừa kế thì dựa vào bản di chúc của ông bạn có quy định cụ thể phần diện tích mà mỗi bên được hưởng hay không.
      Căn cứ Khoản 1 Điều 659 BLDS 2015 trong trường hợp di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
      Theo đó nếu ông của bạn không xác định rõ phần chia cho bạn và ba bạn thì tài sản đó được xác định mỗi người một nữa thì việc ba bạn lấy 1/2 mảnh đất đó cho người khác là đúng theo quy định của pháp luật theo quy định về quyền của người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013.
      Trong trường hợp trong di chúc xác định rõ phần tài sản của mỗi người được thừa kế, nếu bạn được hưởng trên 1/2 diện tích mảnh đất đó thì việc ba bạn cho người khác 1/2 mảnh đất đó là không phù hợp theo pháp luật mà phải có sự đồng ý của bạn đối với phần diện tích thuộc sở hữu của bạn.
      Trên đây là tư vấn của chúng tối đối với vấn đề của bạn, trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tối qua số điện thoại 0908 748 368 để được tư vấn.
      Trân thành cảm ơn.

  4. Avatar
    kiều khanh says:

    Tôi có thắc mắc xin luật sư trả lời giúp :
    Cha mẹ tôi có 2 miếng đất (1 miếng đất ở 300m2 và 1 miếng đất nông nghiệp 1200m2).
    Nay cha mẹ tôi già yếu chia đều cho 3 anh em tôi mỗi đứa được 100m2 đất ở và 400m2 đất nông nghiệp.
    Tôi xin hỏi vậy chúng tôi muốn chuyển đất nông nghiệp lên đất ở có được không và giá đất chuyển sẽ bị vượt khung tăng ra sao (năm nay 2019) đất ở Bình Dương ạ.
    Dạ cám ơn luật sư

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn kiều khanh, vấn đề của bạn chuyentuvanluat.com tư vấn như sau:
      Để biết được thông tin đất của bạn có chuyển mục đích sử dụng được hay không, bạn cần đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện nơi có đất để được tra cứu cụ thể xem thửa đất của bạn có đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất hay không.
      Để biết được thông tin giá đất cụ thể ở Bình Dương như thế nào bạn cần cung cấp thêm vị trí hiện trạng của đất, địa điểm cụ thể của đất,… để tra cứu một cách chi tiết và chính xác bạn vui lòng tham khảo Quyết định 32/2018/QĐ-UBND và Quyết đinh 33/2018/QĐ-UBND.
      Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua hotline 0908 748 368 để được giải quyết.

  5. Avatar
    kiều khanh says:

    Tôi có thắc mắc sau :
    Trường hợp cha mẹ mất, nhà đất thừa kế cho 3 con không tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
    Tôi nghe nói thừa kế lần 2 thì tính thuế là sao?, xin nhờ giải đáp.
    Nếu sau khi nhận thừa kế, người em nhận đất tặng cho từ anh có tính là thừa kế lần 2 không và có phải chịu thuế không.
    Dạ xin đợi sự giải đáp của luật sư,

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn kiều khanh, vấn đề của bạn chuyentuvanluat.com tư vấn như sau:
      Thừa kế bất động sản từ cha đẻ, mẹ đẻ cho con đẻ được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ theo khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 15 VBHN- VPQH năm 2014.
      Trường hợp thừa kế lần 2 thì tính thuế như thông tin bạn cung cấp thì trường hợp thừa kế mà tính thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp không thuộc đối tượng miễn tính thuế theo khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau”. Như vậy, nếu bạn đã nhận thừa kế lần 1 từ cha đẻ, mẹ đẻ cho con đẻ thì được miễn thuế và lệ phí, nếu bạn nhận thừa kế lần 2 từ chú ruột, cô ruột thì phải chịu thuế và phí vì bạn không thuộc trường hợp được miễn thuế, nhưng nếu lần 2 bạn được nhận thừa kế từ cha nuôi, mẹ nuôi cho con nuôi thì bạn vẫn được miễn thuế và phí, không kể số lần được thừa kế và lần thứ mấy.
      Trường hợp nếu sau khi nhận thừa kế, người em nhận đất tặng cho từ anh thì có tính là thừa kế lần 2 và phải chịu thuế không? trường hợp này người em nhận đất tặng cho sau khi nhận thừa kế thì không được gọi là nhận thừa kế mà là tặng cho bất động sản. Việc nhận tặng cho bất động sản từ anh, chị, em RUỘT với nhau thì được miễn thuế, theo khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân.
      Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua hotline 0908 748 368 để được giải quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *