Luật Hình Sự

Thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự và vai trò của Luật sư tại phiên tòa

Xét hỏi là một thủ tục bắt buộc trong quá trình diễn ra một phiên tòa hình sự. Việc xét hỏi phải được tiến hành theo đúng quy trình theo quy định pháp luật. Vậy thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự diễn ra như thế nào và Luật sư có những vai trò gì? Bài viết dưới đây với chủ đề thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự và vai trò của Luật sư tại phiên tòa sẽ giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc, kính mời các bạn cùng theo dõi.

Thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự

Thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự

Thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự

Nội dung của việc xét hỏi

  • Những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người.
  • Những tình tiết chứng minh bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo bị truy tố về nhiều tội thì phải xét hỏi để chứng minh từng tội.
  • Các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đều phải được xác minh.
  • các tình tiết sự việc theo thứ từ tự tội quan trọng trước và tội ít quan trọng sau.
  • Hỏi ý kiến về các yêu cầu dân sự, yêu cầu phản tố của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… và những tình tiết của tội phạm.

Căn cứ: Điều 307 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

Thứ tự người tiến hành xét hỏi

  • Chủ tọa phiên tòa là người điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
  • Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
  • Người tham gia tố tụng tại phiên tòa cũng có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm rõ.
  • Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
  • Ngoài ra, trong quá trình xét hỏi, HĐXX cần kết hợp xem xét vật chứng, công bố các lời khai của người vắng mặt, cho trình bày hoặc công bố các tài liệu của các tổ chức, cơ quan vào các thời điểm hợp lý.

Như vậy, không có quy định bắt buộc Chủ tọa phải xét hỏi ai trước.Theo tính hợp lí thì bị cáo, đồng phạm, đương sự liên quan đến việc giải quyết vụ án sẽ được hỏi trước.

Luật sư bào chữa tại phiên tòa

Luật sư bào chữa tại phiên tòa

>>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự

Vai trò của Luật sư tại phiên tòa hình sự

Vai trò của Luật sư tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

  • Giai đoạn tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa

Trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa thì Luật sư cần căn cứ vào quy định tại BLTTHS về sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và xác định xem sự vắng mặt đó có bất lợi cho thân chủ hay không để đề đạt với HĐXX yêu cầu hoãn phiên toà cho phù hợp.

Trường hợp bị cáo chưa nhận được bản cáo trạng hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Luật sư sẽ yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo hoặc đương sự không được Chủ toạ giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà hoặc không hỏi họ có đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch hay không thì Luật sư sẽ đề nghị HĐXX cho họ được thực hiện các quyền đó theo quy định của pháp luật.

  • Giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa

Vai trò của Luật sư là sử dụng các biện pháp hợp pháp để bào chữa gỡ tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.  Luật sư có thể đặt các dạng câu hỏi khác nhau, việc xét hỏi không chỉ về các tình tiết của vụ án mà còn để làm rõ các yếu tố liên quan đến vụ án nhằm giúp cho HĐXX có cơ sở đánh giá chính xác, khách quan.

Bên cạnh việc trực tiếp xét hỏi, Luật sư có quyền tham gia vào các hoạt động xét hỏi khác tại phiên toà theo theo quy định của BLTTHS. Ví dụ như tham gia xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa, trình bày những nhận xét của mình về vật chứng được xem xét tại phiên tòa, tham gia xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án và trình bày nhận xét của mình về việc xem xét những nơi đó,…

  • Giai đoạn tranh luận tại phiên tòa

Trình bày lời bào chữa

Tuỳ từng vụ án mà nội dung lời bào chữa của luật sư bao gồm một hay nhiều điểm sau đây: bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, không có tình tiết định khung tăng nặng, có tình tiết định khung giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,… Ngoài ra, Luật sư cũng có thể trình bày phần liên quan đến vấn đề dân sự, xử lý vật chứng trong vụ án ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Đối với vấn đề dân sự, nếu qua phần xét hỏi chứng minh được mức thiệt hại mà người bị hại khai báo là quá cao, không phù hợp với thực tế,… thì Luật sư sẽ phân tích để khẳng định yêu cầu của người bị hại là không có cơ sở, đề nghị HĐXX cân nhắc.

Đối đáp

Theo quy định của BLTTHS, Luật sư có thể đối đáp với Kiểm sát viên (KSV) hoặc đối đáp với người bị hại (hoặc Luật sư của họ), đối đáp với những người tham gia tố tụng khác (hoặc Luật sư của họ) mà không hạn chế thời gian và số lần. Luật sư sẽ tận dụng cơ hội này để kịp thời đề nghị HĐXX bác bỏ những ý kiến không có cơ sở chấp nhận.

  • Giai đoạn nghị án và tuyên án

Tóm tắt những nhận định của Tòa án về tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc biệt là phần quyết định liên quan đến thân chủ của mình.

  • Những việc cần làm sau phiên tòa

Luật sư sẽ giải thích cho thân chủ hoặc người thân của họ về cơ sở pháp lý của bản án đã tuyên, trao đổi với thân chủ hoặc người thân của họ về việc có thực hiện quyền kháng cáo hay không. Nếu thân chủ yêu cầu thì Luật sư sẽ giúp họ trong việc thực hiện thủ tục kháng cáo và tiếp tục giúp đỡ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Vai trò của Luật sư tại phiên tòa xét xử phúc thẩm

Phạm vi công việc của Luật sư trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự bao gồm việc tư vấn, giúp đỡ cho bị cáo hiểu về trình tự xét xử phúc thẩm, thực hiện một số kỹ năng trước khi mở phiên tòa (như nghiên cứu hồ sơ, thu thập thêm tài liệu mới, gặp trao đổi với bị cáo, trao đổi đề xuất với Tòa án và Viện kiểm sát, chuẩn bị bài bào chữa hoặc bài bảo vệ, lập kế hoạch xét hỏi) và tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

>>> Xem thêm: Thủ tục mời luật sư bào chữa trong vụ án giết người

Các công việc của Luật sư trong vụ án hình sự

Trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự

  • Gặp, hỏi người bị buộc tội;
  • Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
  • Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
  • Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
  • Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

  • Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Các công việc của Luật sư trong vụ án hình sự

Các công việc của Luật sư trong vụ án hình sự

>>> Xem thêm: Luật sư bào chữa vắng mặt thì phiên tòa có bị hoãn xét xử

Trên đây là tư vấn về Thủ tục xét hỏi trong vụ án hình sự và vai trò của Luật sư tại phiên tòa. Quý bạn đọc cần hỗ trợ gửi tài liệu, yêu cầu tư vấn hoặc có nhu cầu gặp trực tiếp luật sư hỗ trợ pháp luật  hình sự vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (20 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết