Luật Đất Đai

Thủ tục kiện đòi bồi thường về tài sản khi nhà nước thu hồi đất

Tranh chấp tiền bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc giải tỏa đền bù và thực hiện các dự án của Nhà nước. Do đó, làm thế nào để đòi được tiền bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, mời quý khách hàng theo dõi bài viết sau.

Kiện đòi bồi thường tài sản khi nhà nước thu hồi đất như thế nào

>>Xem thêm:Kiện đòi bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng

Nguyên tắc và điều kiện bồi thường về tài sản khi thu hồi đất

Căn cứ Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi bị Nhà nước thu hồi đất:

  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản, dù có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, thì vẫn được bồi thường (trừ một số trường hợp khác do pháp luật quy định).
  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

Điều kiện bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất:

  • Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi;
  • Bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn quy định cụ thể tại các Điều 89, 90, 91, 94 Luật Đất đai 2013.

Tuy nhiên, Điều 92 Luật Đất đai 2013 cũng quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất:

  • Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, e, i khoản 1 Điều 64 và các điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật này.
  • Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.
Điều kiện đòi bồi thường về tài sản khi nhà nước thu hồi đất
Điều kiện đòi bồi thường về tài sản khi nhà nước thu hồi đất

Khi nào được khởi kiện đòi tiền bồi thường

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Đất đai 2013, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm: Tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Những cơ quan này có quyền ban hành văn bản hoặc thực hiện các hành vi liên quan đến vấn đề bồi thường thu hồi đất.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh có thể tự mình hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường cụ thể liên quan đến giá bồi thường đất (đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở,…) để sau đó ban hành Quyết định về giá bồi thường cụ thể. Quyết định này phải căn cứ và phù hợp với Bảng giá đất vào từng thời kỳ (VD: TPHCM hiện nay đã ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-UBND quy định về bảng giá đất TPHCM giai đoạn 2020 – 2024 nên các Quyết định về giá bồi thường phải phù hợp với bảng giá này).

Suy cho cùng, Quyết định về giá bồi thường cũng chính là Quyết định hành chính – đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

Cụ thể hơn, căn cứ khoản 1 và 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 5 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định:

  • Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
  • Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 có quy định: người sử dụng đất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (bao gồm việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, quyết định về giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư,…). Do đó khi phát hiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người sử dụng đất có quyền khởi kiện quyết định hành chính đó.

Vì vậy, khi thỏa mãn những trường hợp trên, người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền nộp đơn khởi kiện bồi thường tài sản để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường khi nhà nước thu hồi đất
Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

Thủ tục khởi kiện đòi lại tiền bồi thường tài sản

Trình tự thủ tục kiện đòi tiền bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015.

Bước 1: Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Khiếu kiện đòi bồi thường tiền tài sản do quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến quyền lợi của người dân sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng Hành chính 2015, trừ các quyết định, hành vi sau đây:Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

  • Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
  • Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
  • Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức;
  • Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;
  • Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Khiếu kiện danh sách cử tri.

Bước 2: Lập hồ sơ khởi kiện.

Điều 118 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
  • Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
  • Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
  • Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
  • Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Bước 3: Nộp đơn khởi kiện.

Việc nộp đơn khởi kiện quy định tại Điều 119 Luật Tố tụng Hành chính 2015 Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án.
  • Gửi qua dịch vụ bưu chính.
  • Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.

Tòa án cũng có thể trả lại đơn khởi kiện nếu nhận thấy hồ sơ khởi kiện không thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật. Người khởi kiện có quyền khiếu nại việc trả lại đơn nếu thấy các căn cứ trả lại đơn của Tòa án không hợp lý.

Sau khi nộp đơn khởi kiện, người nộp đơn thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí là 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, đồng thời, người khởi kiện phải nộp biên lai cho Tòa án.

Ngày thụ lý vụ án là ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý vụ án.

Trên đây là bài viết với nội dung hướng dẫn kiện đòi tiền bồi thường khi đất bị thu hồi. Quý khách hàng có thắc mắc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật sư Phan Mạnh Thăng qua số điện thoại tư vấn luật đất đai 1900 63 63 87 để được hỗ trợ trực tiếp.

Có thể bạn quan tâm:

4.6 (14 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết