Luật Đất Đai

Thủ tục khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ trước khi xuất cảnh ra nước ngoài

Thủ tục khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ trước khi xuất cảnh ra nước ngoài là một trong những thủ tục pháp lý được nhiều người quan tâm. Trường hợp này cũng thường xảy ra khi cho người khác ở nhờ nhà nhưng sau đó không chịu trả nhà và dẫn tới phát sinh tranh chấp. Sau đây, Chuyên tư vấn luật xin cung cấp một số thông tin liên quan cụ thể như sau:

khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ

Khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ

Xác định yêu cầu khởi kiện

Theo tại Điều 117 Luật Nhà ở 2014 và Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) thì thỏa thuận về cho mượn nhà ở hoặc ở nhờ là giao dịch dân sự về nhà ở, theo đó dựa trên sự thỏa thuận của các bên, bên cho mượn giao tài sản là căn nhà cho bên mượn để ở trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại nhà khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Căn cứ Điều 154 Luật Nhà ở 2014, thỏa thuận cho ở nhờ chấm dứt trong các trường hợp:

  • Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết.
  • Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ không còn.
  • Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án.
  • Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc diện đã có quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Theo thỏa thuận của các bên.

Quyền của người cho mượn nhà được quy định tại Điều 499 BLDS 2015, bao gồm:

  • Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
  • Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

Như vậy, khi phát sinh tranh chấp về giao dịch liên quan đến nhà ở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bên cho ở nhờ có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền yêu cầu đòi lại nhà đã cho người khác ở nhờ và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Lưu ý: Đối với đối tượng là người việt nam ở nước ngoài hoặc người việt đã mang quốc tịch nước ngoài thì có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không?

Căn cứ theo khoản 3, 4 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 quy định:

  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
  • Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Tại Điều 169, 189, 191 Luật đất đai 2013 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong các trường hợp sau:

  • Đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam;
  • Thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
  • Thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với QSDĐ ở hoặc được công nhận QSDĐ ở trong các dự án phát triển nhà ở;
  • Được công nhận QSDĐ thông qua việc Nhà nước giao đất.

Theo khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thừa kế mà không thuộc các trường hợp được công nhận QSDĐ thì vẫn có thể nhận giá trị QSDĐ thông qua chuyển nhượng hoặc uỷ quyền chuyển nhượng cho người thứ ba.

Tại khoản 1 Điều 186 Luật đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà đất có quyền yêu cầu khởi kiện để đòi lại nhà đã cho ở nhờ và bồi thường thiệt hại (nếu có). Còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà đất có quyền khởi kiện yêu cầu đòi giá trị nhà đất và bồi thường thiệt hại (nếu có).

>>>Xem thêm: Người nước ngoài có được phép mua căn hộ cá nhân Việt Nam không?

thẩm quyền giải quyết

Thẩm quyền giải quyết

Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết

Theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có nhà ở.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Hồ sơ khởi kiện gồm những gì ?

  1. Đơn khởi kiện đòi lại nhà đất cho mượn, cho ở nhờ theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP: Đơn khởi kiện cần có những nội dung chính như sau:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
  1. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ (nếu có);
  2. Tài liệu, chứng cứ kèm theo có liên quan đến vụ việc tranh chấp;
  3. Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân,…).

Trình tự tiếp nhận và thụ lý giải quyết

Căn cứ tại Điều 191, 195, 196, 197 BLTTDS 2015 trình tự thụ lý vụ án dân sự như sau:

Bước 1: Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

  • Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí;
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bước 2: Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
  • Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật này.

>>>Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc đất nền

Thời hạn giải quyết vụ kiện là bao lâu?

Thời hạn giải quyết đối với tranh chấp dân sự theo thủ tục sơ thẩm thông thường là 04 – 06 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015

Thời hạn giải quyết đối với tranh chấp dân sự theo thủ tục phúc thẩm là 02 – 03 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 286 BLTTDS 2015

thủ tục giải quyết

Thủ tục giải quyết

>>>Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật đất đai

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Thủ tục khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ trước khi xuất cảnh ra nước ngoài. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.5 (13 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết