Luật Lao Động

Thủ tục khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại

Khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại là tranh chấp phát sinh trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, người sử dụng lao động có quyền khởi kiện để được bồi thường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nắm được thủ tục khởi kiện người lao động giải quyết theo quy định pháp luật khi gặp phải trường hợp này.

bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại

>>>Xem thêm: Tranh chấp lao động nào được kiện thẳng ra toà mà không cần hoà giải?

Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động

Theo quy định tại Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 thì quan hệ làm phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại có hai loại: phát sinh trong quan hệ lao động và phát sinh trong các quan hệ khác.

  • Bồi thường phát sinh trong quan hệ lao động: là trách nhiệm bồi thường do hành vi vi phạm gây thiệt hại liên quan đến quan hệ lao động như hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động,…
  • Bồi thường phát sinh trong các quan hệ khác: là trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nhưng không phải trong quan hệ lao động mà trong các quan hệ khác có liên quan tới quan hệ lao động như trong học nghề,…

Đối tượng khởi kiện người lao động

  • Người khởi kiện có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên.
  • Nếu người sử dụng lao động là pháp nhân thì người khởi kiện là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Tổng giám đốc, giám đốc) hoặc người được ủy quyền hợp pháp.

Những trường hợp người lao động phải bồi thường thiệt hại

trường hợp phải bồi thường

Trường hợp phải bồi thường

>>>Xem thêm: Hướng dẫn khởi kiện tập thể tranh chấp lao động

Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm bồi thường từ phía NLĐ như sau:

  • NLĐ có hành vi vi phạm về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi của người sử dụng lao động khi đã có văn bản thỏa thuận trước đó thì người lao động có trách nhiệm bồi thường khi vi phạm (Khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019
  • NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì NLĐ có trách nhiệm bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước (Khoản 2 Điều 40 BLLĐ 2019)
  • NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ (Khoản 1 Điều 129 BLLĐ 2019)
  • NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương (Khoản 3 Điều 102 BLLĐ 2019)
  • Khi NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động (Khoản 2 Điều 129 BLLĐ 2019)

Thủ tục khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại

thủ tục khởi kiện người lao động

Thủ tục khởi kiện người lao động

>>>Xem thêm: Giấy phép lao động cho người nước ngoài được cấp tối đa bao nhiêu lần?

Thành phần hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện người lao động bao gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP
  • Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, quyết định xử lý kỷ luật sa thải hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,…
  • Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân (nếu có); Biên bản hòa giải không thành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền (nếu có)
  • Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp; Điều lệ, nội quy lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,…
  • Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao)

Trình tự, thủ tục khởi kiện

Theo BLLĐ 2019 và chương XII Bộ Luật Tố tụng Tố tụng Dân sự 2015 trình tự, thủ tục khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm các bước sau:

BƯỚC 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện kèm các tài liệu có liên quan để nộp kèm với đơn khởi kiện

BƯỚC 2: Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện đến Tòa án kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

BƯỚC 3: Tòa án xem xét Đơn khởi kiện.

  • Trường hợp Tòa án xét thấy Đơn khởi kiện không cần phải sửa đổi, bổ sung và phù hợp thẩm quyền xét xử, Tòa án sẽ có thông báo để bạn đóng tạm ứng án phí sơ thẩm.
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải đóng số tiền tạm ứng án phí được nêu tại thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tại nơi khởi kiện và nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Vụ kiện sẽ được thụ lý khi người khởi kiện nộp biên lai này cho Tòa án và Tòa án sẽ gửi thông báo về việc thụ lý vụ án trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

BƯỚC 4: Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án và triệu tập người khởi kiện lên để làm bản tự khai và giải trình những điểm chưa rõ trong vụ án cũng như cung cấp thêm các chứng cứ cần thiết.

Quý khách hàng nếu có thắc mắc hoặc đang gặp phải vướng mắc lao động, vui lòng liên hệ trực tiếp với công ty Chuyên Tư Vấn Luật thông qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG  và hướng dẫn giải quyết tranh chấp lao động. Chân thành cảm ơn.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyen tu van luat@gmail.com.

4.7 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết