Luật Dân sự

Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình

Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình là vấn đề được nhiều quý bạn đọc quan tâm. Bởi lẽ, vấn đề tranh chấp tài sản đã là một vấn đề phức tạp liên quan nhiều chủ thể. Trong khi đó việc kiện đòi tài sản từ người chiếm hữu bất hợp pháp đã phức tạp thì việc kiện đòi tài sản từ người chiếm hữu ngay tình thì càng phức tạp hơn.

Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình

>>> Xem thêm: Thủ tục kiện đòi tài sản bị chiếm đoạt trái phép

Điều kiện để khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình

Căn cứ Điều 167 và Điều 168 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình và Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình thì điều kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình như sau:

  • Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp; bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì điều kiện để kiện đòi lại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình như sau:

  • Tài sản rời khỏi chủ sở hữu không thông qua hình thức là hợp đồng hợp pháp.
  • Các chủ thể là người thực tế đang chiếm hữu tài sản hay sử dụng tài sản đó không có căn cứ do pháp luật Việt Nam quy định.
  • Chủ sở hữu phải chứng minh được tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là tài sản của mình
  • Tài sản là đối tượng của việc khởi kiện chưa bị xác lập quyền sở hữu ( không thuộc trường hợp chủ sở hữu không được đòi lại động sản)

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật dân sự 2015.

  • Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
  • Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Thời hiệu kiện đòi tài sản

Theo Khoản 2, Điều 155, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đối với trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015 hoặc Luật khác có liên quan quy định khác.

Thời hiệu kiện đòi tài sản

>>> Xem thêm: Hướng dẫn kiện đòi tài sản đánh rơi mà người nhặt không trả

Hồ sơ khởi kiện

Đơn khởi kiện (theo mẫu số 23-DS của Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP) Trong đó, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

  • Quốc hiệu, tiêu ngữ
  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
  • Tên, địa chỉ của người bị kiện;
  • Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
  • Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Giấy tờ chứng minh về nhân thân người khởi kiện

Trình tự giải quyết khởi kiện đòi lại tài sản

Trình tự giải quyết đơn khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình của Tòa án bao gồm: Các chủ thể có yêu cầu nộp đơn, hồ sơ khởi kiện theo quy định tại Điều 190, Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo quy định tại Điều 191, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thủ tục nhận đơn và xử lý đơn kiện được thực hiện như sau:

  • Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Tòa án thụ lý vụ án theo quy định theo quy định tại Điều 195, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

  • Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Dịch vụ luật sư kiện đòi tài sản

>>> Xem thêm: Cơ Chế Bảo Vệ Người Thứ Ba Ngay Tình Trong Giao Dịch Nhà Đất

Trên đây là những tư vấn về Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình. Trường hợp quý bạn đọc có thắc mắc về nội dung trên hoặc có nhu cầu gặp trực tiếp luật sư để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hotline 1900.63.63.87 để tư vấn pháp luật dân sự một cách nhanh chóng và kịp thời.

4.8 (12 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết