Luật Lao Động

Thủ Tục Hòa Giải Trong Tranh Chấp Lao Động ?

Hòa giải được xem là một trong những phương án tối ưu trong quá trình giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp lao động nói riêng. Thông qua hòa giải, người sử dụng lao động và người lao động có thể tháo gỡ những mâu thuẫn, tranh chấp lợi ích một cách nhanh chóng, đạt được lợi ích của mình một cách nhanh nhất mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến mối quan hệ của đôi bên. Nhưng liệu Quý bạn đọc có biết pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hòa giải trong tranh chấp lao động như thế nào không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp chi tiết những nội dung liên quan đến vấn đề trên.

Thủ tục hòa giải trong tranh chấp lao động
Thủ tục hòa giải trong tranh chấp lao động

>>Xem thêm: Hòa Giải, Đối Thoại Trước Khi Thụ Lý, Lợi Bất Cập Hại?

Tranh chấp lao động là gì? Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp là bao lâu?

Theo khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012 thì tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Với từng loại tranh chấp sẽ có những quy định về thủ tục hòa giải riêng.

Về thời hiệu thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động:

· Đối với hòa giải tranh chấp lao động cá nhân thì thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật lao động 2012).

· Cũng với tranh chấp lao động cá nhân thì người lao động cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời hiệu yêu cầu là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động 2012).

· Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu. Tập thể lao động có quyền yêu cầu các cơ quan sau đây giải quyết yêu cầu chính đáng của mình: Hoà giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động (Theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật lao động 2012).

· Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền thì thời hiệu yêu cầu giải quyết là 01 năm. Tập thể lao động có quyền yêu cầu các cơ quan sau đây giải quyết yêu cầu chính đáng của mình: Hoà giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Theo khoản 1 Điều 203, Điều 207 Bộ luật lao động 2012).

Các bên giải quyết tranh chấp phải đảm bảo rằng có thực hiện hòa giải trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật (Theo khoản 2 Điều 194 Bộ luật lao động 2012).

Tranh chấp trong lao động là gì
tranh chấp trong lao động là gì?

>>> Xem thêm:  Thủ tục hòa giải lao động và đối thoại tại nơi làm việc

Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân gồm những bước nào?

Theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Lao động 2012 thì trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân được thực hiện thông qua các bước sau:

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu cho hòa giải viên

Khi tiến hành giải quyết tranh chấp, bắt buộc hai bên phải thực hiện việc hòa giải tranh chấp đầu tiên, trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Người lao động gửi đơn lên hòa giải viên lao động để được xem xét, xử lý yêu cầu.

(Theo khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012).

Bước 2: Tiến hành hòa giải

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng với nhau và tìm ra một hướng đi chung.

(Theo khoản 2, khoản 3 Điều 201 Bộ luật lao động 2012).

Bước 3: Lập biên bản hòa giải

Trường hợp hai bên thỏa thuận được hướng đi chung, hòa giải viên lao động lập sẽ biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòagiải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải đó, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

(Theo khoản 3 Điều 201 Bộ luật lao động 2012).

Bước 4: Gửi biên bản hòa giải

Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

hòa giải tranh chấp trong hợp đồng lao động
giải quyết tranh chấp trong hợp đồng lao động

(Theo khoản 3 Điều 201 Bộ luật lao động 2012).

Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc từ ngày nhận đơn yêu cầu hòa giải mà hòa giải viên không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (Theo khoản 4 Điều 201 Bộ luật lao động 2012).

Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể gồm những bước nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 204 Bộ luật lao động 2012 thì trình tự hòa giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật lao động 2012. Biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.

Theo khoản 2 Điều 204 Bộ luật lao động 2012 thì trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì thực hiện theo quy định sau đây:

· Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết;

· Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

Trên đây là bài viết về chủ đề Thủ tục hòa giải trong tranh chấp lao động”,nếu quý khách hàng có bất kì vướng mắc gì về nội dung bài viết hoặc cần hỗ trợ pháp lý về các vấn đề khác, xin quý khách hàng vui lòng qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

4.7 (17 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết