Luật Hành Chính

Thủ Tục Đối Thoại Trong Vụ Án Hành Chính

Điều 20 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này.” Như vậy, đối thoại là thủ tục bắt buộc trong vụ án hành chính và là nhiệm vụ của Thẩm phán khi được Chánh án Tòa án nhân dân phân công giải quyết vụ án.

quá trình đối thoại giải quyết tranh chấp đất đai

Có vụ án hành chính nào không thể tiến hành đối thoại được hay không?

Luật đã dự liệu về trường hợp sẽ có những vụ án không thể tiến hành đối thoại được. Đó là những trường hợp được Điều 135 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định như sau:

–      Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

–      Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.

–      Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại.

Thông báo về phiên đối thoại được pháp luật quy định như thế nào ?

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm thông báo cho các đương sự biết về phiên họp này. Mục đích của việc thông báo về phiên họp đối thoại là nhằm giúp cho đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết được thời gian, địa điểm và nội dung của phiên họp đối thoại để đến tham dự phiên họp. Ngoài ra, thông qua việc thông báo này giúp các bên đương sự có thời gian chuẩn bị trước để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng là chủ thể trực tiếp điều hành phiên họp đối thoại.

Thành phần phiên họp đối thoại được quy định cụ thể tại Điều 137 Luật tố tụng hành chính 2015 gồm có:

–      Thẩm phán, chủ trì phiên họp

–      Thư ký phiên họp ghi biên bản;

–      Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự;

–      Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);

–      Người phiên dịch (nếu có).

Đây là những chủ thể phải có mặt tại phiên họp đối thoại. Đối với đương sự hoặc người đại diện thì chỉ cần một trong hai có mặt. Trường hợp vụ án hành chính có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ có quyền đến tham dự phiên đối thoại, người phiên dịch bắt buộc phải có mặt tại phiên họp đối thoại nếu như trong vụ án hành chính có đương sự là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số hoặc đương sự bị khuyết tật nghe, khuyết tật nói, khuyết tật nhìn.

pháp luật quy định về thủ tục hành chính trong đối thoại

Trình tự phiên họp đối thoại được pháp luật quy định ra sao?

Điều 138 Luật Tố tụng Hành chính 2015 nêu rõ những nội dung cần phải thực hiện được trong phiên họp đối thoại như sau:

Thứ nhất: Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án;

Thứ hai: Người khởi kiện trình bày bổ sung về yêu cầu khởi kiện, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm của người khởi kiện về hướng giải quyết vụ án (nếu có);

Thứ ba: Người bị kiện trình bày bổ sung ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện, những căn cứ ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện và đề xuất hướng giải quyết vụ án (nếu có);

Thứ tư: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ (nếu có);

Thứ năm: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại (nếu có) phát biểu ý kiến;

Tùy từng trường hợp, Thẩm phán yêu cầu đương sự nêu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, đồng thời kiểm tra hiệu lực pháp luật của văn bản đó. Thẩm phán có thể phân tích để các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án;

Thứ sáu: Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

Cuối cùng: Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất. Thư ký phiên họp ghi biên bản về diễn biến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Nội dung phiên đối thoại được ghi nhận tại đâu? Đương sự có được quyền giữ tài liệu này hay không?

Như đã nêu ở trên, thư ký phiên họp phải ghi biên bản đối thoại. Đây chính là tài liệu ghi nhận nội dung phiên đối thoại. Nội dung biên bản này cần phải có những nội dung được quy định tại Điều 139 Luật tố tụng hành chính 2015 với nội dụng như sau:

– Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;

– Địa điểm tiến hành phiên họp;

– Thành phần tham gia phiên họp;

– Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

– Nội dung đã được đương sự thống nhất, không thống nhất.

Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký phiên họp ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia phiên họp có quyền được xem biên bản phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Diễn tiến vụ án sau phiên họp đối thoại sẽ diễn ra như thế nào?

Sau khi phiên họp đối thoại kết thúc, căn cứ vào kết quả đối thoại, Điều 140 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định cụ thể diễn biến tố tụng như sau:

Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.

Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.

Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới hoặc văn bản rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải thông báo cho các đương sự khác biết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, nếu các đương sự không có ý kiến phản đối thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.

4.7 (13 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *