Luật Doanh Nghiệp

Thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những phương thức phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương đồng thời làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Vậy, điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản là gì, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản như thế nào?

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Căn cứ vào Điều 78 Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018) thì khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định như sau:

  • Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
  • Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản 2010.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản 2010.

Hình thức, nguyên tắc, điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Hình thức, nguyên tắc, điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Hình thức, nguyên tắc, điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Theo khoản 1 Điều 79 Luật Khoáng sản có hai hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

  • Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản;
  • Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên tắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Có ba nguyên tắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 3 Nghị định 22/2012/NĐ-CP:

  • Minh bạch, công khai, liên tục, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.
  • Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 03 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá
  • Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác, khoáng sản tại các khu vực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu giá.

Điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Theo Điều 8 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá khi đủ các điều kiện sau:

  • Là tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị tham gia phiên đấu giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét chọn theo quy định tại Điều 19 Nghị định 22/2012/NĐ-CP;
  • Đã nộp phí tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước theo quy định.
  • Trường hợp khi có sự thay đổi về tư cách pháp lý, tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá phải nộp bổ sung văn bản liên quan cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá trước khi tiến hành phiên đấu giá.
  • Tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được Hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 01 (năm), kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá

Căn cứ vào Điều 10 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

  • Tham khảo tài liệu địa chất, khoáng sản liên quan đến khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan.
  • Khảo sát thực địa khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lấy mẫu trên mặt đất nằm trong khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản theo quy định tại Điều 37 Luật khoáng sản;
  • Được tham gia các buổi họp liên quan đến phiên đấu giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức.

Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

  • Thực hiện nghiêm túc nội quy phiên đấu giá, quy chế đấu giá do Hội đồng đấu giá ban hành và quy định của pháp luật khác có liên quan;
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Căn cứ vào Điều 11 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

  • Được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
  • Được sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến khu vực trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
  • Được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi hoàn thành thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
  • Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có nghĩa vụ sau đây:

  • Nộp tiền trúng đấu giá theo quy định và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật
  • Trong thời hạn 06 (tháng) kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
  • Trong thời hạn 12 (tháng) kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
  • Không được chuyển nhượng kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản;
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Thành phần hồ sơ

Căn cứ vào Điều 16 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì thành phần hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm:

  • Bản chính: Đơn đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động tài chính
  • Đối với khu vực đấu giá đã có kết quả thăm dò khoáng sản: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có chương trình sơ bộ việc đầu tư khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện dự án nếu trúng đấu giá
  • Đối với khu vực đấu giá chưa thăm dò khoáng sản: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có kế hoạch sơ bộ về đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện nếu trúng đấu giá.

Trình tự, thủ tục

Căn cứ từ Điều 16 đến Điều 23 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ: Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thông báo thông tin về phiên đấu giá.

Bước 3: Xét chọn hồ sơ: Trong thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thành các công việc sau:

  • Tiến hành xét chọn hồ sơ để lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá (20 ngày);
  • Hoàn thành phương án xét chọn hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị tham gia phiên đấu giá và chuyển hồ sơ đấu giá của tổ chức, cá nhân được xét chọn tham gia đấu giá cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện đấu giá theo quy định. Việc xét chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các thành phần tham gia (10 ngày).
  • Sau 03 lần thông báo và tính đến thời điểm hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà vẫn không đủ số lượng người tham gia đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP thì Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và không tổ chức phiên đấu giá.
  • Đối với hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản không được xét chọn, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không được xét chọn.
  • Đối với hồ sơ được xét chọn, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi tiến hành phiên đấu giá; thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm họp trao đổi về các thông tin liên quan đến phiên đấu giá; thời điểm khảo sát thực địa khu vực đấu giá; thời gian nộp phí tham gia đấu giá và tiền đặt trước cho tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá.

Bước 4: Tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

  • Trong thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp phải tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
  • Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 02 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; người điều hành phiên đấu giá tiến hành điều hành phiên đấu giá theo quy định.
  • Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải nộp tiền đặt trước trước khi khi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 07 ngày. Tiền đặt trước có thể nộp bằng tiền mặt hoặc bằng bảo lãnh dự đấu giá theo phương thức như sau:

+ Trường hợp nộp bằng tiền mặt, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài nguyên và Môi trường

+ Trường hợp nộp bằng bảo lãnh dự đấu giá, tổ chức, cá nhân đề nghị tham gia đấu giá phải nộp bảo lãnh dự đấu giá cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bước 5: Trình, phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

  • Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh hồ sơ phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
  • Căn cứ đề xuất, tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phê duyệt kết quả trúng đấu giá, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Trường hợp không phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 6: Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản để nhận kết quả và đăng tải công khai kết quả trúng đấu giá tại trụ sở cơ quan và cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian thông báo và đăng tải công khai kết quả trúng đấu giá là 05 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Trên đây là tư vấn về Thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được  tư vấn nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.6 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết