Luật Hành Chính

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con bao gồm hai thủ tục hành chính là thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục nhận cha, mẹ, con. Đây là hai thủ tục khác nhau tuy nhiên hai thủ tục này có thể được kết hợp giải quyết khi có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con khi đăng ký khai sinh Trong bài viết này, Chuyên Tư Vấn Luật sẽ trình bày các thông tin liên quan đến vấn đề này để quý độc giả có thể theo dõi.

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha mẹ con

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha mẹ con

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục yêu cầu công nhận cha con

Yêu cầu, điều kiện đăng ký nhận cha, mẹ, con kết hợp khai sinh

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Để có thể thực hiện được đồng thời hai thủ tục này thì cần đáp ứng một số yêu cầu, điều kiện như sau:

  • Bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều còn sống;
  • Việc nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp.
  • Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con kết hợp khai sinh

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP, người có yêu cầu thực hiện thủ tục chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  1. Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP;
  2. Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch:
  • Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh;
  • Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
  • Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi hoặc văn bản chứng minh việc mang thai hộ tùy từng trường hợp cụ thể;
  1. Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có);
  2. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP:
  • Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
  • Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con thì các bên nhận cha con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha con.

>>Xem thêm: Thủ tục yêu cầu giải quyết hôn nhân không đăng ký kết hôn

Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha cho con

Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha cho con

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận cha con kết hợp khai sinh

Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 35, Điều 43 Luật Hộ tịch 2014, đối với trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thủ tục đăng ký nhận cha con kết hợp khai sinh

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP, trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25, khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 Luật Hộ tịch.

Cách thức thực hiện đăng ký

Người có yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con nộp trực tiếp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

>>Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục đăng ký giám hộ

Trình tự thực hiện

  • Bước 1: Người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND có thẩm quyền và đóng lệ phí
  • Bước 2: Xử lý hồ sơ

Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

  • Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
  • Bước 3: Trả kết quả

Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp; thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã.

Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện các công việc sau:

  • Ghi nội dung nhận cha, mẹ, con vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con;
  • Ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân;
  • Hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch;
  • Cùng người đi đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con ký tên vào Sổ.

Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh và Trích lục nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha cho con

Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha cho con

Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký nhận cha con kết hợp khai sinh

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 25, khoản 2 Điều 36 và khoản 2 Điều 44 Luật Hộ tịch 2014, thời gian giải quyết thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha con là 03 ngày làm việc, trong trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Đối với trường hợp đăng ký thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha con có yếu tố nước ngoài thì thời hạn giải quyết là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ niêm yết việc nhận cha con tại trụ sở trong thời gian 07 ngày liên tục.

Lệ phí thực hiện đăng ký nhận cha con kết hợp khai sinh

Căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch, Điều 10 Luật Phí và lệ phí, Thông tư 85/2019/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 106/2021/TT-BTC), mức thu lệ phí hộ tịch như đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha con do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, đăng ký hộ tịch được miễn lệ phí nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
  • Đăng ký khai sinh đúng hạn.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha cho con của Chuyên tư vấn luật. Nếu như bạn có vướng mắc nào hoặc cần dịch vụ luật sư tư vấn, đại diện để khiếu nại, khởi kiện, xin vui lòng liên hệ LUẬT SƯ HÀNH CHÍNH qua HOTLINE 1900.63.63.87  để được tư vấn và hỗ trợ một cách kịp thời nhất. Xin cảm ơn.

 

4.8 (18 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Thạc Sĩ Luật Sư Võ Mộng Thu

Chức vụ: Luật Sư Thành Viên

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hành Chính, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự

Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA

Số năm kinh nghiệm thực tế: 09 năm

Tổng số bài viết: 632 bài viết

error: Content is protected !!