Luật Hành Chính

Thủ Tục Chuyển Hộ Khẩu Từ Quận Này Sang Quận Khác

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Vậy, khi hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển hộ khẩu từ Quận này sang Quận khác thì thực hiện theo thủ tục như thế nào?

Quy định về thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác

Quy định về thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác

hotline tư vấn luật 1900636387

Thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp

Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp từ quận này sang quận khác, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn mười hai tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Nếu cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đăng ký thường trú trong thời gian 12 tháng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng (khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác

Khi cá nhân, hộ gia đình muốn chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Bước 1. Xin giấy chuyển hộ khẩu

Theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2013, công dân nộp hồ sơ xin cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu gồm: sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân. Trưởng Công an quận là người có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi công dân chuyển hộ khẩu đến, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có người chuyển đi phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho Công an cùng cấp nơi người đó chuyển đến.

Bước 2. Đăng ký thường trú tại quận mới

Thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới

Thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới

Theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2013, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ tại Công an quận. Hồ sơ gồm:

  • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
  • Bản khai nhân khẩu;
  • Giấy chuyển hộ khẩu;
  • Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (theo quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014-NĐ-CP).

Đối với một số trường hợp cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA, ngoài các giấy tờ trên thì cần phải nộp thêm các giấy tờ sau:

  • Trẻ em đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh;
  • Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã;
  • Người được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị. Trường hợp được cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung thì cá nhân đó có văn bản đề nghị có xác nhận của UBND cấp xã;
  • Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam;
  • Cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

Công an quận đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến.

Trường hợp không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP và Điều 15 Thông tư 35/2014/TT-BCA, khi công dân chuyển đến các chỗ ở sau thì không đăng ký thường trú:

  1. Một là, Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng
  2. Hai là, Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép;
  3. Ba là, Chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau);
  4. Bốn là, Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  5. Năm là, Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác”. Trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn thêm, Quý khách vui lòng liên hệ ngay với Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ.

4.7 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 924 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *