Khi có một trong những căn cứ theo quy định của pháp luật về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì cha, mẹ hoặc người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ có thể yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ. Cùng Luật sư Phan Mạnh Thăng tham khảo thêm:

Mục Lục
Thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn khi nào?
Theo Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Khi nào việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì: “Đối với vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên…”. Như vậy, có được hiểu rằng chỉ những vụ án có tranh chấp về nuôi con mới lấy ý kiến của con không?, Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “…con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Vậy áp dụng quy định nào mới đúng?
Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn hướng dẫn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, trong đó đáng chú ý là nội dung hướng dẫn việc lấy ý kiến con chưa thành niên đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn. Theo đó, để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.
Thủ tục thay đổi quyền nuôi con ra sao?
Khi yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn thì trước hết cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu;
- Bản án ly hôn;
- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.
Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi bị đơn (là vợ anh) đang cư trú, làm việc. Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Khi đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/ huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Trên đây là các nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn“. Trường hợp trong nội dung còn vấn đề chưa rõ ràng hoặc cần tư vấn thêm, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.