Luật Hôn Nhân Gia Đình

Tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân có phải chia khi ly hôn?

Phân chia tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn là một bước không thể thiếu khi tiến hành thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, không phải tất cả tài sản vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân đều phải chia khi ly hôn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể những loại tài sản nào có được trong thời kỳ hôn nhân phải chia khi ly hôn và những loại tài sản nào thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.

Tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân sau khi ly hôn có thể được phân chia

Tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

Tài sản chung

Căn cứ trên cơ sở Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (nhà cửa, quyền sử dụng đất…) thì giấy chứng nhận phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (xe môtô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải…) thì:

  • Nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng;
  • Nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Tài sản riêng của vợ hoặc chồng khi ly hôn sẽ không phân chia

Tài sản riêng

Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng gồm:

  • Tài sản mà mỗi người có trước khi “kết hôn”;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật hôn nhân và gia đình 2014;
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

Đồng thời theo qui định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân còn bao gồm:

  • Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo qui định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
  • Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng nhận được theo qui định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Phân chia tài sản có được trong thời kì hôn nhân khi ly hôn

Bản án, quyết định ly hôn là hồ sơ cần thiết để tiến hành phân chia tài sản vợ chồng

Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP được quy định:

  • Việc phân chia tài sản do hai bên thỏa thuận;
  • Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì tài sản chung chia đôi cho hai vợ chồng, còn tài sản riêng của vợ hoặc chồng không phân chia trừ trường hợp tài sản riêng đã sáp nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
  • Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Dựa trên nguyên tắc này, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được phân chia. Tuy nhiên, không phải tài sản nào có trong thời kỳ hôn nhân đều phải chia khi ly hôn.

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng sẽ không chia như vợ hoặc chồng nhận thừa kế riêng một mảnh đất, hoặc bố mẹ tặng cho riêng tài sản cho con cái thì khi ly hôn sẽ không thực hiện phân chia tài sản khi tiến hành thủ tục ly hôn.

Trong trường hợp tài sản chung và tài sản riêng không rõ ràng thì nếu có tranh chấp liên quan đến tài sản riêng để tranh phân chia tài sản khi ly hôn thì vợ hoặc chồng có nghĩa vụ chứng minh tài sản riêng đó là của mình.

LƯU Ý: những chứng cứ để chứng minh (ví dụ như di chúc, hợp đồng tặng cho…) phải được xác lập trước hoặc trong thời điểm nhận tài sản này chứ không phải những giấy tờ hay lời khai được xác lập khi Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn

Để phân chia tài sản khi ly hôn, vợ chồng phải làm hồ sơ để phân chia tài sản bao gồm:

  • Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
  • Bản sao bản án, quyết định ly hôn của Tòa án;
  • Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, vợ chồng nộp hồ sơ lên Tòa án quận, huyện nơi người nộp đơn cư trú để tiến hành phân chia tài sản. Trừ trường hợp tài sản là đất đai thì nơi nộp hồ sơ là Tòa án quận, huyện nơi có đất.

Trên đây là nội dung bài viết tư vấn về chia tài sản có được khi ly hôn. Nếu có thắc mắc về nội dung trên hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý về các thủ tục hôn nhân gia đình, quý bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn./.

4.5 (20 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Phúc - Chuyên Viên Pháp Lý
Avatar

Chức vụ: Chuyên viên pháp lý

Lĩnh vực tư vấn: Thừa Kế, Dân Sự, Đất Đai

Trình độ đào tạo: Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3 năm

Tổng số bài viết: 498 bài viết

error: Content is protected !!