Luật Hình Sự

Sử dụng thủ đoạn nhằm trục lợi khi làm “ông mai-bà mối” có thể bị khởi tố hình sự

Hiện tượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua con đường “môi giới hôn nhân” không còn mới. Bên cạnh những cuộc hôn nhân trọn vẹn là những câu chuyện “dở khóc” của biết bao phụ nữ Việt trót tin vào những ông mai-bà mối. Môi giới hôn nhân với người nước ngoài không được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi cá nhân. Để làm rõ hơn vấn đề, bài viết này sẽ đề cập đến việc “sử dụng thủ đoạn nhằm trục lợi khi làm ông mai-bà mối có thể bị khởi tố hình sự”.

Truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Quy định pháp luật về hoạt động “mai mối”, “môi giới” kết hôn với người nước ngoài

Kết hôn là một trong những quyền cơ bản của con người thể hiện ở việc tự do lựa chọn và quyết định hạnh phúc của chính mình. Việc “mai mối”, “môi giới” bản chất chung đều là trung gian làm cầu nối cho những người có nhu cầu kết hôn, có thể gọi chung là môi giới kết hôn.

Môi giới kết hôn được hiểu là một loại hình dịch vụ, người cung cấp dịch vụ đóng vai trò trung gian giới thiệu cho người có nhu cầu gặp gỡ các đối tượng kết hôn để họ gặp gỡ, tìm hiểu nhau rồi đi đến hôn nhân. Việc môi giới kết hôn bản chất không vi phạm pháp luật nhưng hiện nay pháp luật vẫn chưa thừa nhận.

Thực tế cho thấy, hoạt động môi giới kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài ngày càng tăng lên về số lượng. Chính vì nhu cầu kết hôn với người nước ngoài tăng nên nhiều đối tượng đã lợi dụng, dùng thủ đoạn mai mối phụ nữ Việt cho người nước ngoài để nhằm mục đích trục lợi, mua bán người, thực hiện những hành vi trái pháp luật khác. Hậu quả của những hành vi này chính là những nạn nhân của việc mai mối trở thành đối tượng của nạn buôn bán người, mại dâm, buôn bán nội tạng,…

Vì vậy, quy định của pháp luật hiện nay, cụ thể là Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP đã quy định hướng dẫn về hành vi sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cấu thành tội mua bán người

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP, người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;
  • Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  • Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  • Trong trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, quy định trên cho thấy các dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài như sau:

Cấu thành tội phạm tội mua bán người

Thứ nhất, về mặt chủ thể là người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Chủ thể phải thỏa mãn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai, về mặt khách thể, là quyền nhân thân và quyền tài sản của người bị tội phạm xâm phạm.

Thứ ba, về mặt khách quan, là các hành vi cưỡng bức, đe dọa, lừa gạt, chuyển giao người, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người và các thủ đoạn khác theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP và khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) được hiểu là các thủ đoạn như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng).

Mục đích của các hành vi trên nhằm nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Bóc lột tình dục được hiểu là để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục…) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.

Để cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ. Vì mục đích vô nhân đạo tức là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.

Do mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của hành vi phạm tội nên pháp luật quy định chỉ cần chủ thể thực hiện một trong những hành vi kể trên sẽ chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, mặt chủ quan, theo quy định của Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) và Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP, lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi, hậu quả nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi.

Kết luận, khi hành vi sử dụng thủ đoạn nhằm trục lợi khi làm ông mai-bà mối nếu thỏa mãn các điều kiện trên bị khởi tố hình sự về  tội mua bán người theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Sử dụng thủ đoạn môt giới hôn nhân với người nước ngoài

Hành vi sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài theo Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP sẽ bị truy cứu trách nhiệm tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, các hành vi quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Nếu hành vi phạm tội rơi vào các trường hợp định khung tăng nặng sẽ gánh chịu những khung hình phạt tăng nặng. Các hành vi phạm tội trên sẽ bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150; đưa nạn nhân khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đối với 2 đến 5 người; phạm tội 2 lần trở lên.

Hành vi phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tính chất chuyên nghiệp; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; đối với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Ngoài hình phạt tù, người thực hiện hành vi tội phạm nói trên còn có thể chịu hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP và Điều 150 Bộ luật Hình sự mà đối tượng của tội phạm là người dưới 16 tuổi thì hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 151 hoặc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi có liên quan tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

>>>Xem thêm: Chém Trộm Vào Nhà Bị Khởi Tố Tội Giết Người Đúng Hay Sai?

Bài viết trên phân tích về hành vi “sử dụng thủ đoạn nhằm trục lợi khi làm ông mai-bà mối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Trường hợp Qúy khách hành có nội dung nào còn thắc mắc, vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.

4.6 (10 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết