Luật Sở Hữu Trí Tuệ

Có được đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài?

Có được đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài là câu hỏi của nhiều người khi muốn bảo hộ quyền tác giả đối với những bài hát đã được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài

Bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài

Quy định pháp luật về bảo hộ bản quyền bài hát

Tại sao phải bảo hộ bản quyền bài hát

Đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với bài hát đồng nghĩa với việc sản phẩm của bạn sẽ được pháp luật bảo hộ và được bảo đảm sản phẩm của bạn sẽ không bị sử dụng trái phép như: sao chép, lạm dụng… Đăng ký bản quyền tác giả là cách tốt nhất để chứng nhận cho sự sáng tạo của con người, là phần thưởng xứng đáng nhất cho người sáng tạo.

Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với bài hát

Căn cứ quy định khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019) – Luật SHTT thì Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tuy không bắt buộc phải đăng ký hay công bố nhưng nếu xảy ra tranh chấp việc chứng minh tác phẩm thuộc quyền sở hữu của ai sẽ trở nên khó khăn khi không đăng ký bản quyền bài hát, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tác giả, chủ sở hữu bài hát.

>> Xem thêm: Xử Lý Hành Vi Xâm Phạm Quyền Tác Giả

Bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài có được bảo hộ hay không?

Bản dịch bài hát là bản được dịch ra một ngôn ngữ khác dựa trên ngôn ngữ gốc của bài hát. Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì bản dịch bài hát từ tiếng nước ngoài được xem là tác phẩm phái sinh.

Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ , Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì sẽ được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Do đó, bản dịch bài hát ra ngôn ngữ khác có thể được bảo hộ nhưng phải xin phép và được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác của bài hát gốc.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Điều kiện để được bảo hộ bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài

Để bảo hộ quyền tác giả đối với bài hát dịch từ tiếng nước ngoài cần đáp ứng 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, tác phẩm phái sinh được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản (Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ). Theo đó, bản dịch bài hát sẽ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền nhân thân và quyền tài sản của tác phẩm gốc.

Thứ hai, phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Như đã giải thích ở phần 2, bản dịch bài hát chỉ được bảo hộ khi đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ ba, tác phẩm phái sinh phải mang dấu ấn riêng của tác giả. Tác phẩm phái sinh sẽ dựa trên tác phẩm gốc nhưng phải có sự sáng tạo, mới mẻ trong lời văn, cách truyền đạt, thể hiện nét đặc trưng, dấu ấn của riêng tác giả đối với công chúng.

>>> Xem thêm: Đăng Ký Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

Đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài

Hồ sơ

Căn cứ Khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo Mẫu số 01 Thông tư 08/2016/TT-BVHTTDL;
  • 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;
  • Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.

Đăng ký bản quyền bài hát

Đăng ký bản quyền bài hát

Thủ tục đăng ký

Bước 1: Nộp hồ sơ: (Khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại các cơ quan sau:

  • Cục Bản quyền tác giả
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng

Bước 2: Xử lý đơn đăng ký: (Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2019)

  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn.
  • Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết:

Thời gian giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Phí đăng ký quyền tác giả: 100.000 đồng/Giấy chứng nhận (theo Thông tư 211/2016/TT-BTC).

>>> Xem thêm: Quốc Ca bị ngắt tiếng trên sóng trực tiếp – Câu chuyện bản quyền trên môi trường số

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về việc đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hay cần các dịch vụ đăng ký bản quyền bài hát, quý độc giả có thể liên hệ qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT SƯ SỞ HỮU TRÍ TUỆ hỗ trợ nhanh nhất. Xin cám ơn!

4.7 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 808 bài viết