Cách xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đòi hỏi hiểu biết về pháp luật và quy trình thực thi. Chủ sở hữu quyền có thể tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Các biện pháp xử lý bao gồm hành chính, hình sự và dân sự tùy theo mức độ vi phạm. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các phương án xử lý và quy trình thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Cách xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Mục Lục
Xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả
Hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2022 (viết tắt là Luật SHTT). Các hành vi này bao gồm:
- Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.
- Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.
- Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
- Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này
Quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu
Theo Điều 198 Luật SHTT, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự bảo vệ quyền của mình. Các biện pháp tự bảo vệ bao gồm:
- Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.
Việc áp dụng các biện pháp tự bảo vệ cần tuân thủ quy định pháp luật, tránh lạm dụng quyền gây thiệt hại cho bên khác. Chủ sở hữu có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo vệ quyền.
Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Theo Điều 200 Luật SHTT quy định về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
- Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả
Hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp xử lý phổ biến đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả. Mức phạt tiền có thể lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e và g Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn;
- Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
- Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số;
- Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
(CSPL: Điều 28 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
Xử phạt hành chính khi vi phạm quyền tác giả
Hình sự
Đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ.
Mặt khách thể: Hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế Nhà nước về quyền tác giả, tác phẩm và các quyền khác có liên quan được pháp luật bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Mặt khách quan của tội phạm:
- Có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là hành vi nhân bản (sao chép) toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (như in ấn thành sách, photocopy, ghi băng các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình) mà không xin phép hay xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý;
- Có hành vi phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là hành vi kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không xin phép hay xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ cấu thành tội này.
Chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) sửa đổi, bổ sung 2017.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Khi người xâm phạm quyền tác giả có những hành vi thỏa mãn các yếu tố trên sẽ có thể bị truy cứu về tội danh này.
Dân sự
Căn cứ Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu người xâm phạm bồi thường thiệt hại.
Trường hợp người xâm phạm không tự nguyện bồi thường thì chủ thể bị xâm phạm thực hiện quyền khởi kiện tại tòa quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư tư vấn xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Tư vấn luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Tư vấn và xác định hành vi vi phạm, thu thập chứng cứ và lựa chọn phương án xử lý phù hợp.
- Đại diện cho chủ thể quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Tư vấn hình thức xử lý khi bị xâm phạm quyền tác giả.
- Tư vấn trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Tư vấn mức yêu cầu bồi thường khi bị xâm phạm quyền tác giả.
- Soạn thảo văn bản yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
- Đại diện ủy quyền thực hiện khiếu nại, tố cáo, tố giác, khởi kiện người có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Đại diện tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp tại tòa.
Tư vấn xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đòi hỏi hiểu biết pháp luật và quy trình thực thi. Quý khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả. Để được tư vấn chi tiết về cách xử lý vi phạm quyền tác giả, Quý khách vui lòng liên hệ hotline 1900636387. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Quý khách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.