Luật Doanh Nghiệp

Quy định về quyền tham gia tố tụng từ đại diện của doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, việc phải tham gia các hoạt động tố tụng là điều rất khó tránh khỏi. Vậy, đối tượng nào có thể nhân danh doanh nghiệp để tham gia hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp? Quyền tham gia tố tụng từ đại diện của doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật sư Doanh nghiệp tìm hiểu những thắc mắc trên qua bài viết sau đây.

Quy định về quyền tham gia tố tụng từ đại diện của doanh nghiệp

Đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng là ai?

Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì đại diện của đương sự là người tham gia tố tụng thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước toà án. Đương sự trọng hoạt động tố tụng có thể là cá nhân hay pháp nhân.

Theo quy định tại Điều 137 Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm 3 nhóm đối tượng sau:

  • Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
  • Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Một pháp nhân có thể có một hay nhiều người đại diện.

Các cơ chế đại diện cho doanh nghiệp tham gia tố tụng

Đại diện theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có thể có một hay nhiều người đại diện theo pháp luật.

>>> Xem thêm: Người đại diện theo ủy quyền của đương sự có được kháng cáo không?

Một số quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp

Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có quy định về người đại diện theo pháp luật khác nhau. Cụ thể:

  • Doanh nghiệp tư nhân: Người đại diện theo pháp luật là chủ doanh nghiệp (khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020)
  • Công ty hợp danh: Người đại diện theo pháp luật là các thành viên hợp danh (khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020)
  • Công ty cổ phần: Nếu chỉ có một người đại diện thì người đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Trường hợp Điều lệ chưa quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật; Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên: Nếu Chủ sở hữu là tổ chức thì người đại diện phải có ít nhất một người là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Nếu Điều lệ không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật; Nếu cá nhân là chủ sở hữu thì Điều lệ công ty sẽ quy định về người đại diện theo pháp luật, nếu Điều lệ không quy định thì Chủ tịch công ty sẽ là người đại diện.
  • Công ty TNHH 2 thành viên: Điều lệ công ty sẽ quy định về người đại diện theo pháp luật, tuy nhiên công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Nếu Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật.

Đại diện theo ủy quyền

Theo Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực kể từ ngày công ty nhận được văn bản. Theo Khoản 4 Luật Doanh nghiệp 2020, văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông;
  • Số lượng người đại diện theo ủy quyền và tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tương ứng của mỗi người đại diện theo ủy quyền;
  • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân từng người đại diện theo ủy quyền;
  • Thời hạn ủy quyền tương ứng của từng người đại diện theo ủy quyền; trong đó ghi rõ ngày bắt đầu được đại diện;
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông và của người đại diện theo ủy quyền.

Người đại diện theo ủy quyền phải trên 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020.

Các kiểu đại diện của doanh nghiệp

>>> Xem thêm: Đăng ký người nước ngoài là đại diện theo pháp luật như thế nào?

Các vấn đề cần lưu ý trong quyền tham gia tố tụng của doanh nghiệp

Phạm vi và quyền của đại diện pháp luật cho doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 khuyến khích các công ty quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong Điều lệ của mình, đồng thời quy định cả về quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Tùy vào loại hình tổ chức của doanh nghiệp mà một doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; Tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có các trách nhiệm quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020.

Phạm vi và thời hạn của đại diện theo ủy quyền.

Theo Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức có trách nhiệm sau:

  • Người đại diện theo ủy quyền nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
  • Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông ủy quyền.
  • Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông ủy quyền do vi phạm các nghĩa vụ nêu trên. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông ủy quyền chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Số lượng và phạm vi của người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp phải được quy định cụ thể trong văn bản ủy quyền. Thời gian ủy quyền được các bên thỏa thuận trong văn bản ủy quyền và phải ghi rõ ngày bắt đầu. Trường hợp có nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải ghi rõ phạm vi và thời gian ủy quyền cụ thể theo quy định của pháp luật.

Phạm vi và thời gian đại diện

Trên đây là những tư vấn của Luật sư Doanh nghiệp về Quy định về quyền tham gia tố tụng từ người đại diện của doanh nghiệp. Để đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả khách hàng có thể liên hệ Luật sư doanh nghiệp Hotline: 1900.63.63.87 đẻ được hỗ trợ.

4.7 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 726 bài viết