Luật Doanh Nghiệp

Pháp nhân nợ thuế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Liệu nợ thuế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Công ty nợ thuế bao nhiêu thì bị khởi tố hình sự? Nợ thuế và trốn thuế khác nhau như thế nào? Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng làm rõ về những vấn đề xoay quanh doanh nghiệp và thuế, mời các bạn cùng tìm hiểu.

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp luật đã có những quy định về hành vi nợ thuế. Theo đó, khi doanh nghiệp nợ thuế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế. Khi doanh nghiệp phá sản, khoản nợ thuế là khoản được ưu tiên thanh toán.

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được quy định cụ thể, Điều 200 quy định về tội trốn thuế là một trong những tội phạm đó. Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế, còn công ty chỉ có nợ thuế mà không có hành vi trốn thuế thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Biện pháp xử lý khi nợ thuế kéo dài

Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp tiền chậm nộp. Trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp. Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. (Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019).

Đồng thời, trường hợp người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, hoặc có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế thì bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (khoản 1,2 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019)

Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế:

  • Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

  • Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

  • Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

  • Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

  • Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định số lần nộp dần và hồ sơ, thủ tục về nộp dần tiền thuế nợ.

  • Không thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế có nợ phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

  • Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Căn cứ: Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019

Biện pháp cưỡng chế thu hồi thuế

  • Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

  • Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

  • Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

  • Ngừng sử dụng hóa đơn;

  • Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;

  • Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

  • Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

CSPL: khoản 1 Điều 125 Luật quản lý thuế 2019.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết Pháp nhân nợ thuế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Trong trường hợp quý khách hàng có nhu cầu tư vấn để hiểu rõ hơn về các đối tượng được hỗ trợ, xin vui lòng gọi ngay đến Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tận tình.

4.6 (15 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết