Luật Hình Sự

Người làm chứng và các điều kiện trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự

Người làm chứng và các điều kiện trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự vẫn là một vấn đề gây thắc mắc cho nhiều người. Trong tố tụng hình sự, vai trò của người làm chứng rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án. Vậy để xác định ai có thể trở thành người làm chứng và cần những điều kiện gì hãy cùng bài viết dưới đây giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc, kính mời các bạn cùng theo dõi.

Người làm chứng tham gia phiên tòa xét xử

Người làm chứng tham gia phiên tòa xét xử

Người làm chứng trong vụ án hình sự

Người làm chứng trong vụ án hình sự gồm những ai?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015), người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Những người không được làm chứng

Để bảo đảm tính khách quan, chính xác trong lời khai của người làm chứng, khoản 2 Điều 66 BLTTHS 2015 quy định những người sau đây không được làm chứng:

  • Người bào chữa của người bị buộc tội;
  • Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

>>> Xem thêm: Chưa đủ 18 tuổi thì có được làm chứng trong vụ án hình sự không?

Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Quyền của người làm chứng được quy định tại khoản 3 Điều 66 BLTTHS 2015 như sau:

  • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình;
  • Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
  • Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ của người làm chứng được quy định tại khoản 4 Điều 66 BLTTHS 2015 như sau:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Ý nghĩa lời khai của người làm chứng trong vụ án hình sự

Lời khai của người làm chứng được xem là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 BLTTHS 2015.

Người làm chứng có thể tiếp cận thông tin vụ án qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Người làm chứng có thể trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án hoặc có thể nghe người khác kể lại, biết được thông qua thiết bị điện tử ghi lại. Thông thường, lời khai của người làm chứng có tính trung thực, khách quan cao, có ý nghĩa lớn trong việc xác định sự thật của vụ án.

Tuy nhiên, việc xác định xuất xứ thông tin, lý do vì sao người làm chứng biết được tình tiết đó cũng là một điều cần thiết. Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLTTHS thì đối với những tình tiết do người làm chứng trình bày mà họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó thì sẽ không được dùng làm chứng cứ. Vì vậy, để bảo đảm tính xác thực của chứng cứ, người làm chứng phải trình bày rõ bằng cách nào mà họ biết được các tình tiết mà họ đã khai báo. Điều này có ý nghĩa  quan trọng khi xác định tính hợp pháp của lời khai người làm chứng. Trong trường hợp người làm chứng khai báo gian dối, từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lời khai của người làm chứng là một nguồn của chứng cứ

Lời khai của người làm chứng là một nguồn của chứng cứ

>>> Xem thêm: Có quyền được từ chối ra tòa làm chứng không?

Điều kiện trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự

Một người có thể trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, người đó phải biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm và về vụ án. Họ có thể trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy hoặc được người khác kể lại về những tình tiết có liên quan đến vụ án.
  • Thứ hai, người đó theo sự triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tự nguyện đến cơ quan tiến hành tố tụng khai báo về các tình tiết mà mình biết, được cơ quan tiến hành tố tụng xác định tư cách là người làm chứng trong vụ án hình sự.
  • Thứ ba, người đó không thuộc các trường hợp không được làm chứng đã nêu trên.

Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng trong tố tụng hình sự

Triệu tập người làm chứng

Theo quy định tại Điều 185 BLTTHS 2015 thì việc triệu tập người làm chứng được thực hiện như sau:

  • Điều tra viên gửi giấy triệu tập đến người làm chứng;
  • Giấy triệu tập gồm các nội dung: họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của người làm chứng; giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
  • Việc giao giấy triệu tập cho người làm chứng được thực hiện như sau: Giao trực tiếp giấy triệu tập cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Đối với người làm chứng dưới 18 tuổi thì giấy triệu tập được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. 
  • Trong trường hợp cần thiết Kiểm sát viên có thể triệu tập người làm chứng để lấy lời khai. Việc triệu tập người làm chứng được thực hiện như trên.

Lấy lời khai người làm chứng

Theo Điều 186 BLTTHS 2015 thì việc lấy lời khai người làm chứng được thực hiện như sau:

  • Về địa điểm lấy lời khai:

Việc lấy lời khai người làm chứng tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người làm chứng. 

  • Trình tự lấy lời khai:

Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên và Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ.

Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. 

Hỏi người làm chứng tại phiên tòa

Việc hỏi người làm chứng tại phiên tòa được quy định tại Điều 311 BLTTHS 2015:

Trước tiên, Hội đồng xét xử hỏi rõ về quan hệ giữa người làm chứng với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. 

Sau đó Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng. Bị cáo cũng có thể hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến bị cáo nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý. 

Ngoài ra, sau khi đã trình bày xong thì người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

Thủ tục lấy lời khai người làm chứng

Thủ tục lấy lời khai người làm chứng

>>> Xem thêm: Thủ tục và các biện pháp thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự

Như vậy, người làm chứng là người biết về một hoặc một số tình tiết nào đó có ý nghĩa cho việc điều tra, xét xử vụ án và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để trình bày lời khai của mình. Những người nào không được làm chứng, điều kiện trở thành người làm chứng và trình tự, thủ tục lấy lời khai của người làm chứng như đã nêu trên.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Người làm chứng và các điều kiện trở thành người làm chứng trong vụ án hình sự. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật  hình sự vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

5 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết